Xây dựng hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long mở rộng đến Quần đảo Cát Bà là Di sản thế giới
Cập nhật: 13/09/2016
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về việc xây dựng hồ sơ đề cử mở rộng không gian di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đến Quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.

Phó Thủ tướng giao Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan thực hiện các bước xây dựng hồ sơ đề cử Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo đúng quy định của Công ước Di sản thế giới năm 1972.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn thành phố Hải Phòng trong việc xây dựng hồ sơ Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các quy định có liên quan.

Quần đảo Cát Bà là quần thể gồm 367 đảo trong đó có đảo Cát Bà ở phía Nam vịnh Hạ Long. Đảo Cát Bà, còn gọi là đảo Ngọc, là đảo lớn  nhất trong số 1.969 hòn đảo của quần thể đảo Vịnh Hạ Long.

Cát Bà là nơi hòa quyện giữa rừng và biển, tạo nên một phong cảnh có một không hai. Đến với hòn đảo xinh đẹp này, du khách không chỉ được tắm mình dưới những bãi biển xanh mát mà còn có thể khám phá thiên nhiên huyền bí qua những cánh rừng nguyên sinh trên đảo. Rừng quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha có khu rừng nguyên sinh nhiệt đới rộng 570 ha với hệ thống động thực vật phong phú, đặc trưng là loài Voọc đầu trắng và cây Kim Giao.

Đảo Cát Bà là tấm thảm xanh khổng lồ chứa đựng nhiều bí ẩn, hấp dẫn. Cát Bà xứng đáng là khu dự trữ sinh quyển thứ 3 Việt Nam, hiện đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tổng diện tích khu dự trữ sinh quyển Cát Bà rộng hơn 26.000 ha, với 2 vùng lõi (bảo tồn nghiêm ngặt và không có tác động của con người), 2 vùng đệm (cho phép phát triển kinh tế hạn chế song kết hợp với bảo tồn) và 2 vùng chuyển tiếp (phát triển kinh tế). Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà là vùng hội tụ đầy đủ cả rừng mưa nhiệt đới trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, các rạn san hô, thảm rong và đặc biệt là hệ thống hang động. Cát Bà còn có di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hóa Hạ Long, dân cư đã sinh sống cách đây 6475 – 4200 năm.

Chinhphu.vn