Là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch, tuy nhiên đến nay, du lịch Ninh Thuận vẫn được ví như một nàng tiên chưa được đánh thức.
|
Du khách tham dự lễ hội Katê Ninh Thuận (Ảnh: Internet) |
Tại Hội nghị “Xúc tiến quảng bá và kết nối tour, tuyến du lịch Ninh Thuận năm 2016” do UBND và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Ninh Thuận tổ chức ngày 01/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Văn Bình cho biết, Ninh Thuận nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Phan Rang, với đặc trưng là vùng đất có nắng ấm quanh năm, được thiên nhiên ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng về sinh học. Ninh Thuận có nhiều thắng cảnh nổi tiếng như: Vườn quốc gia Núi Chúa, Vườn quốc gia Phú Bình, bãi biển Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, đồi cát Nam Cương… Khí hậu nắng ấm quanh năm cũng là điều kiện thuận lợi để cây nho và ngành chế biến vang nho cũng như các sản phẩm sau nho phát triển, đưa Ninh Thuận trở thành “thủ phủ” của cây nho cả nước. Bên cạnh đó, hệ thống các tháp Chăm trên những đồi núi tại Ninh Thuận, nằm bên các làng Chăm, nơi diễn ra Lễ hội Katê vào dịp đầu tháng bảy theo Chăm lịch hàng năm, có sức hút không nhỏ đối với du khách bốn phương.
Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Ninh Thuận Châu Văn Hải cho rằng: Tiềm năng và thế mạnh của du lịch Ninh Thuận rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Ninh Thuận vẫn loay hoay chưa có giải pháp để phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh đó nhằm đưa du lịch Ninh Thuận phát triển xứng tầm.
“Vì thế, từ năm 2007, sau nhiều lần bàn bạc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định xây dựng chiến lược quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, quy hoạch chung TP. Phan Rang - Tháp Chàm và dải ven biển. Trong chiến lược phát triển của tỉnh Ninh Thuận, du lịch được xác định đứng thứ 2 trong 6 trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - ông Châu Văn Hải cho biết.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng, du lịch Ninh Thuận nói riêng và kinh tế - xã hội của địa phương nói chung phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Các đại biểu đã nêu ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp, cách làm để tăng cường quảng bá hình ảnh đất và người cũng như tiềm năng, thế mạnh của Ninh Thuận nhằm thu hút đầu tư, thu hút du khách đến với địa phương. Các ý kiến cũng khơi dậy một số cách làm du lịch để du lịch thực sự là trụ cột thứ 2 trong 6 trụ cột phát triển kinh tế mà Ninh Thuận đang xác định.
Theo ông Lê Dịp Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Hồng Ngọc (Chi nhánh Ninh Thuận), biển là thế mạnh nổi trội của Ninh Thuận. Thế nhưng, tại Ninh Thuận rất ít các chương trình quảng bá về biển. Đây là một lưu ý cho Ninh Thuận. Cạnh đó, tại các khu nghỉ dưỡng, khách sạn ven biển, sắp tới Ninh Thuận nên gắn các cụm loa thường xuyên phát các bản nhạc ca ngợi về biển, về quê hương Ninh Thuận, đồng thời lồng ghép các thông báo, thông tin liên quan đến điểm, tour, các hoạt động mới, khuyến mãi về du lịch biển. Tỉnh nên đầu tư các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ra bên ngoài để giới thiệu, thu hút du khách đến với biển và các địa danh, thắng cảnh của địa phương. “Việc làm này, nhiều nơi trong đó có Đà Nẵng đã rất thành công rồi” - ông Tùng cho biết.
Cũng với mong muốn giúp ngành chức năng Ninh Thuận có cách làm, giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển, chị Dương Thủy, công tác trong lĩnh vực truyền thông tại TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Thương hiệu nước mắm Cà Ná đã ít nhiều được du khách biết đến. Song, đến nay dường như Ninh Thuận chưa có cách nào để đưa thương hiệu này đến xa hơn với bạn bè. “Sắp tới Ninh Thuận nên xây dựng và đưa thương hiệu nước mắm Cà Ná ra bên ngoài thông qua các siêu thị, đại lý ở các tỉnh, thành và xuất khẩu thì càng tốt. Làm được như thế thì đây cũng là một cách để quảng bá về Ninh Thuận” - chị Dương Thủy đề xuất.
Ông Nguyễn Trung Tây Đô (Công ty CP Bến Thành tourist) nhận định: Sự kiện Lễ hội Nho và vang Ninh Thuận 2 năm tổ chức một lần đang hứa hẹn nhiều triển vọng. Lễ hội Katê cần được Ninh Thuận quan tâm quảng bá mạnh hơn. Cùng với 2 lễ hội này, tiềm năng văn hóa vật thể, phi vật thể ở Ninh Thuận còn rất nhiều, song cơ bản hiện vẫn chưa được đánh thức. Tôi và rất nhiều du khách khi đến Ninh Thuận đều rất thích các đặc sản như: thịt cừu, thịt dông, nho và vang nho… Tuy nhiên, các đặc sản này chưa thấy địa phương xây dựng một thương hiệu bài bản của riêng mình. Vì thế, cần phải xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu để tạo sự tin tưởng của du khách. Ngoài ra, Ninh Thuận có nhiều điểm tham quan nổi tiếng, nằm ở vị trí giao nhau giữa các tuyến, tour du lịch trong khu vực và vùng miền, cần thiết phải có sự kết nối, liên kết hỗ trợ để có cơ sở vững chắc đưa du lịch phát triển mạnh hơn.
Còn theo ông Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng du lịch Sài Gòn, hiện nay đa phần du khách trong và ngoài nước đều thích trải nghiệm du lịch biển, du lịch sinh thái với nét đẹp, nét hoang sơ, kỳ thú. Do đó tỉnh Ninh Thuận cần có phương án bảo vệ biển, tránh để biển bị ô nhiễm và tránh tác động tới hệ sinh thái rừng tự nhiên để rừng mãi vẹn nguyên.
Cũng theo ông Toàn, thực tế hiện nay không khí lễ hội (lễ hội Nho và vang, lễ hội Katê…) tại Ninh Thuận đang thiếu sự kiện dù cứ đến hẹn lại lên. Chúng ta thấy quanh quẩn vẫn lễ khai mạc, bế mạc và vài gian hàng, một vài hội nghị, tọa đàm, hội thảo… Tất cả vẫn rất khô khan, thiếu chuyên nghiệp và chưa có phần hội đúng mực. Người đến lễ hội đa phần rất thích thú với phần hội. “Chúng ta phải lấy du khách tuyên truyền cho du khách. Đây là cách mà Ninh Thuận nên chú ý khai thác. Đồng thời, từ đội ngũ là các doanh nhân, doanh nghiệp, từ các cơ sở đào tạo… cũng phải giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình để khách du lịch biết, mua về làm quà lưu niệm, biếu tặng người thân, bạn bè. Làm tốt việc này cũng là làm tốt việc quảng bá cho thương hiệu du lịch của Ninh Thuận” - ông Toàn lưu ý thêm.