Đắk Lắk được biết đến không chỉ là thủ phủ cà phê của Tây Nguyên, mà đây còn là vùng đất níu chân du khách bởi núi đồi trùng điệp, thác nước kỳ vĩ cùng các buôn làng giàu truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Nhắc tới Đắk Lắk du khách thường nghĩ tới buôn Đôn, Krô Kmar, Vườn quốc gia Yok Đôn. Trong đó rừng nguyên sinh của Đắk Lắk có hệ sinh thái đa dạng với khoảng 3.000 loài thực vật, gần 100 loài thú và 200 loài chim thuộc loại quý hiếm. Bên cạnh đó, địa phương cũng có nhiều hồ lớn như Hồ Lắk, Ea Súp Thượng thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm. Đắk Lắk còn là địa phương giàu bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng 44 dân tộc. Các lễ hội trải dài xuyên suốt trong năm như lễ hội cồng chiêng, lễ hội voi, lễ hội ăn trầu… luôn là những sự kiện được khách thập phương mong muốn được tham gia, khám phá.
Với tiềm năng sẵn có, thời gian qua du lịch của Đắk Lắk đã có bước phát triển tích cực. Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, hiện điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cùng với đó là nhiều chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Lượng khách đến với địa phương không ngừng gia tăng.
Đặc biệt, hiện Chính phủ đã xem xét, đưa Đắk Lắk vào danh mục trọng điểm ưu tiên phát triển du lịch; và lập Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Yok Đôn”, một trong 47 Khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được xem là khởi đầu quan trọng trong phát triển ngành công nghiệp không khói của Đắk Lắk.
Tuy nhiên, mặc dù có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa nhưng hiện nay các sản phẩm này còn dựa vào thiên nhiên, chưa được quan tâm đúng múc. Trong đó, du lịch văn hóa vốn rất đặc sắc và có thể xây dựng thành sản phẩm đặc thù của địa phương nhưng chưa được khai thác tốt. Nguyên nhân được cho là do thiếu sự phối hợp, quan tâm của ngành, một số di tích văn hóa, lịch sử xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tôn tạo. Ngoài ra, hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch bó hẹp trong nước, chưa vươn ra được nước ngoài do hạn chế về kinh phí.
Nhằm hạn chế những yếu kém và đưa du lịch phát triển bền vững, tỉnh Đắk Lắk xác định sẽ phát triển du lịch theo hướng phát huy mạnh mẽ, đồng bộ các tiềm năng, thế mạnh; tập trung đầu tư xây dựng TP Buôn Ma Thuột thành trung tâm trung chuyển dịch vụ, du lịch chính của tỉnh. Đặc biệt là hình thành và tạo kết nối giữa các điểm, tuyến du lịch trong tỉnh, cũng như với các khu du lịch, điểm du lịch của các tỉnh trong khu vực. Phấn đầu sớm đưa du lịch là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo đó, mục tiêu giai đoạn 2016-2020, Đắk Lắk phấn đấu đón hơn 4,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 400 lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch đạt 4.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 25,93%, tạo hơn 16.000 việc làm.
Để thực hiện đúng lộ trình kế hoạch đặt ra, hiện địa phương đang khẩn trương hoàn thành việc lập Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Yor Đôn trình cấp thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia đầu tư, tạo điểm nhấn cho du lịch Đắk Lắk, hướng tới trọng điểm du lịch của Việt Nam. Ngoài ra, địa phương còn lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch để đầu tư, kêu gọi đầu tư nhằm khai thác tốt tài nguyên du lịch của tỉnh; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mới.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung đầu tư và khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng có tính đặc thù của tỉnh nói chung và TP Buôn Ma Thuột nói riêng; Xây dựng và tổ chức thực hiện đề án chiến lược thương hiệu du lịch Đắk Lắk nói chung và du lịch Buôn Ma Thuột nói riêng. Mặt khác, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng các chương trình quảng bá, xúc tiến, liên kết hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách hấp dẫn và tăng cường cái cách hành chính để thu hút đầu tư vào phát triển du lịch.
Với những kế hoạch trên, tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng sẽ sớm đưa du lịch trở thành nền tảng, là ngành kinh tế quan trọng, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh vào năm 2020.