Ngày 18-2, tại thành phố Tuy Hòa, UBND tỉnh Phú Yên, Trường ĐH quốc gia văn hóa Moscow, Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông và Trung tâm nghiên cứu ứng dụng năng lượng sinh học trực thuộc các Hội liên hiệp kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập”.
Tham dự hội thảo, có Ngài Konstantin V.Vnukov, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Liên bang Nga tại Việt Nam; 41 đại biểu là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, nhà nghiên cứu đến từ 15 quốc gia trên thế giới.
Tham luận trình bày tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ vai trò của văn hóa và du lịch trong thế giới đương đại; thảo luận những vấn đề cấp thiết liên quan đến lĩnh vực văn hóa và du lịch tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động du lịch gắn với văn hóa ở một số nước trên thế giới.
Du lịch trong thế giới đương đại không đơn thuần chỉ là nghỉ dưỡng mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế. Du lịch góp phần thúc đẩy liên kết thế giới và khu vực. TS Phạm Từ, Phó Tổng Biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam cho rằng, Văn hóa với du lịch là cặp đôi tuy hai mà một. Văn hóa là cơ sở để phát sinh, nội dung phát triển của du lịch và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch văn hóa là thế mạnh của Việt Nam. Một số loại hình du lịch văn hóa đã và đang phát triển ở Việt Nam như du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch bảo tàng…
Theo ông Lê Quốc Hùng, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại California (Mỹ), muốn xây dựng ngành du lịch bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh cho du lịch Việt Nam phải đáp ứng được hai yêu cầu là tạo ra được sự khác biệt trong sản phẩm du lịch mang bản sắc của văn hóa Việt Nam trên cơ sở kế thừa bản sắc của từng địa phương, vùng miền của đất nước; tạo sự khác biệt về dịch vụ, xây dựng phong cách phục vụ chuyên nghiệp mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ông Werner R. Murhadi, Chủ nhiệm bộ môn Quản trị Đại học Surabaya, Indonesia cho rằng, các di sản tự nhiên và văn hóa của Việt Nam cũng như các nước ASEAN là một trong những lợi thế cạnh tranh chủ chốt. Phát triển du lịch tại đây sẽ được kỳ vọng sẽ khuyến khích sự tăng trưởng. Xu hướng khách du lịch đến các quốc gia ASEAN đang tăng lên. Để tăng sức hấp dẫn của ngành du lịch cần mang đến cho du khách một trải nghiệm độc đáo và phong phú gắn với các giá trị văn hóa đặc trưng.
Việt Nam là nước có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di sản văn hóa. Với bảy di sản văn hóa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa thế giới; hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử; 8.000 lễ hội, trong đó 90% là lễ hội dân gian, đây là tiềm năng lớn để Việt Nam phát triển du lịch. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều bước tiến quan trọng trong phát triển du lịch. Năm 2016, nước ta đã đón hơn 10 triệu lượt khách nước ngoài.
Tại hội thảo này, ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đã mời gọi các nhà đầu tư phát triển du lịch, du khách trong và ngoài nước đến với Phú Yên - vùng đất được mệnh danh là xứ sở của “Hoa vàng cỏ xanh” với nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là những giá trị văn hóa. Năm 2016, tỉnh đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch. Tỉnh Phú Yên đã và đang có nhiều quyết sách đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.