Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, Nghệ An đặt mục tiêu mỗi năm có từ 5-6 làng nghề được công nhận. Và đến năm 2020 cả tỉnh sẽ có từ 160-165 làng nghề.
Du khách nước ngoài thích tham quan, du lịch tại bản Hoa Tiến, Châu Tiến, Quỳ Châu, Nghệ An
Trong các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, tỉnh Nghệ An khuyến khích phát triển các làng nghề gắn với du lịch nhằm tăng sinh kế cho bà con nông dân, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Cụ thể các điển hình được khuyến khích như: Bánh đa, kẹo lạc, nước mắm, tương Nam Đàn… từ các mô hình này sẽ gắn với các điểm du lịch lân cận như khu di tích Kim Liên, Truông Bồn, chùa Đại Tuệ, các đền, chùa, khu nghỉ dưỡng Cửa Lò, sắp tới là khu Cửa Hội… Bên cạnh đó còn có các sản phầm đá mỹ nghệ gắn với phát triển du lịch tuyến đường 1A, 46, đường 15A, đường mòn Hồ Chí Minh; các sản phẩm mỹ nghệ, mây tre đan, thổ cẩm, gắn với miền Tây xứ Nghệ, vườn quốc gia Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt…
Được biết các lao động ở nông thôn khi tham gia tại các lớp học nghề ở các cơ sở đào tạo được hỗ trợ kinh phí theo chính sách hiện hành của Nhà nước. Các cấp ngành, địa phương khi thực hiện chuyển giao công nghệ, đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ quản lý, cán bộ kỹ thuật ở các cơ sở sản xuất, đồng thời khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyển thống mở lớp đào tạo nghề cho lao động địa phương và các vùng lân cận.