Duy trì tốc độ tăng trưởng của thị trường khách Trung Quốc
Cập nhật: 18/05/2017
(TITC) – Trên 10 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 400.000 tỷ đồng là những kết quả ấn tượng mà ngành du lịch nước ta đạt được trong năm 2016. Đáng chú ý, khách du lịch tới từ Trung Quốc tiếp tục chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu khách du lịch đến Việt Nam.

Xe điện đón khách du lịch Trung Quốc tại Cửa khẩu Móng Cái đi tham quan thành phố
(Nguồn ảnh: Báo Quảng Ninh)

Ở quy mô quốc tế, Trung Quốc được xác định là thị trường nguồn đứng đầu thế giới về gửi khách và khả năng chi tiêu. Nhiều điểm đến trong khu vực và trên thế giới đã có những chính sách cạnh tranh để thu hút khách Trung Quốc.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường khách lớn, có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp doanh thu lớn cho ngành du lịch. Điều này được thể hiện qua con số gần 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016, tăng 51,4% so với năm 2015. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã đón trên 1,2 triệu lượt khách Trung Quốc, tăng 61,1% so với cùng kỳ năm 2016. Ước tính, khách du lịch Trung Quốc chiếm tỉ lệ từ 25-28% trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội từ thị trường lớn này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) đã yêu cầu các địa phương trong cả nước tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thị trường khách Trung Quốc, cần có sự thống nhất trong nhận thức về bản chất của tour giá rẻ đón khách Trung Quốc, đảm bảo hài hòa lợi ích của các đơn vị kinh doanh đón khách cũng như đem lại lợi ích chung cho điểm đến, đất nước. Đồng thời tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của khách Trung Quốc, tạo động lực phát triển du lịch trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

Cụ thể, Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương cung cấp đầy đủ thông tin về các cơ sở cung ứng dịch vụ trên địa bàn tại website chính thức nhằm hỗ trợ du khách trong quá trình lưu trú và sử dụng dịch vụ.

Ngoài ra, công tác thanh, kiểm tra các hoạt động du lịch trên địa bàn cần thực hiện thường xuyên và nghiêm túc; tăng cường công tác quản lý điểm đến, nâng cao năng lực đón tiếp nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách du lịch.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm vi phạm của doanh nghiệp lữ hành trong việc kinh doanh đón khách cũng cần giới thiệu và tôn vinh các doanh nghiệp lữ hành đón khách của Việt Nam có năng lực và uy tín nhằm xây dựng môi trường kinh doanh lữ hành lành mạnh.

Bộ VHTTDL cũng khuyến khích phát triển các trung tâm vui chơi giải trí, điểm bán hàng phục vụ du khách lành mạnh, đúng pháp luật, đặc biệt ưu tiên quảng bá các mặt hàng đặc sản, thủ công nghiệp của địa phương, các hàng hóa chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. “Đây được coi là giải pháp quan trọng góp phần đa dạng hóa dịch vụ, tăng chỉ tiêu khách du lịch, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đồng thời hỗ trợ tích cực cho hoạt động kinh doanh lữ hành trong việc tạo sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao”, Bộ VHTTDL nhận định.

Khánh Trang