Trải nghiệm mới ở làng du lịch cộng đồng A Nôr - Huế
Cập nhật: 08/05/2025
Làng du lịch cộng đồng A Nôr (xã Hồng Kim, huyện A Lưới) là nơi níu chân du khách bởi thiên nhiên hùng vĩ và văn hóa bản địa đặc sắc. Nơi đây đang mở ra hướng đi mới cho du lịch gắn với chứng tích lịch sử, sức khỏe và trị liệu.

Động Tiên Công

Trải nghiệm du lịch lịch sử

A Lưới không chỉ là điểm đến với thiên nhiên kỳ thú mà còn là “bảo tàng sống” của ký ức chiến tranh. Trong hành trình đến A Nôr, chúng tôi ghé qua những địa danh đã đi vào lịch sử: đồi A Bia (Hamburger Hill), động Tiên Công... Mỗi nơi là một câu chuyện về quá khứ bi tráng nhưng cũng đầy hy vọng hồi sinh.

Đứng giữa đồi A Bia, nơi từng chứng kiến những trận đánh dữ dội, cảm xúc trong tôi đan xen giữa niềm kính trọng với sự bình yên của hiện tại. Động Tiên Công lại mang một dáng vẻ hùng tráng và không kém phần huyền bí. Theo người dân địa phương kể lại, nơi đây từng là chốn trú ẩn của bộ đội và đồng bào trong những năm chiến tranh, nay trở thành điểm dừng chân trong hành trình khám phá A Lưới.

Trên cung đường về, chúng tôi dừng lại thác A Nôr,  điểm nhấn nổi bật nhất của làng du lịch cộng đồng. Tại đây, du khách có thể tắm thác, gội đầu bằng nước lá rừng, ăn cơm bản với các món đặc trưng như cá suối nướng, cơm lam, rau rừng… Mọi thứ giản dị nhưng đậm đà bản sắc vùng cao.

Bên cạnh thiên nhiên và lịch sử, văn hóa bản địa là yếu tố giúp du lịch A Nôr giữ chân du khách. Chiều đến, chúng tôi hòa mình vào đời sống của bà con Pa Cô, cùng họ trải nghiệm làm bánh A quát, giã gạo, xem biểu diễn dân ca, dân vũ, cùng nhảy múa bên ánh lửa. Trẻ em háo hức, người lớn thân thiện, còn chúng tôi chỉ mong thời gian trôi chậm lại.

Trị liệu giữa rừng xanh

Điều khiến chúng tôi bất ngờ là dịch vụ chăm sóc sức khỏe giữa đại ngàn - một điểm mới trong sản phẩm du lịch cộng đồng ở A Nôr. Sau một ngày di chuyển và trải nghiệm, chúng tôi được hướng dẫn đến khu trị liệu: xoa bóp bấm huyệt và ngâm chân bằng thảo dược.

Chị Hồ Thị Sa, một người dân bản địa, nhẹ nhàng thao tác trên cổ, vai, cánh tay... giúp du khách thư giãn sau chuyến tham quan cả ngày dài. “Chúng em học nghề từ các đợt tập huấn của huyện, rồi kết hợp với kinh nghiệm dân gian. Lá xông, lá gội, nước ngâm đều hái từ rừng”, chị Sa giới thiệu, tay vẫn miệt mài thao tác.

Ngâm chân trong nước nóng pha cùng các loại thảo mộc bản địa khiến cơ thể như được tiếp thêm sinh lực. Mùi hương từ lá cây rừng cùng sự yên tĩnh của đêm A Lưới là một loại thuốc bổ đặc biệt cho tinh thần.

Anh Laurent Renaud, du khách đến từ Pháp, chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi ở châu Á, nhưng đây là lần đầu tôi được massage bằng phương pháp truyền thống kết hợp với các loại thảo mộc bản địa. Không gian giữa rừng, tiếng suối chảy và bàn tay của người trị liệu, tất cả tạo nên một cảm giác rất đặc biệt. Tôi thấy mình như đang được chữa lành từ bên trong”.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết: “Huyện xác định du lịch cộng đồng là ăn, ở, trải nghiệm kết hợp với chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là các phương pháp truyền thống. Dịch vụ bấm huyệt, ngâm chân ở A Nôr là mô hình mới nhưng được du khách đánh giá cao, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân. Đây là hướng đi bền vững, vừa giữ được văn hóa bản địa, vừa nâng cao thu nhập cho cộng đồng”.

Rời ANôr, chúng tôi ghé chợ A Lưới, mang theo ít quà là muối mè, chuối già lùn, bánh a quát... Nhưng có lẽ món quà lớn nhất là sự phục hồi cả thể chất lẫn tinh thần sau một hành trình không dài nhưng đủ để thấy rõ tiềm năng của vùng cao A Lưới. Với cách làm bài bản, sáng tạo và gắn chặt với cộng đồng, A Nôr đang khẳng định mình là điểm đến thú vị, đầy bản sắc.

Bài, ảnh: Bạch Châu

Báo Huế ngày nay - huengaynay.vn - Đăng ngày 08/5/2025