Tìm giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà
Cập nhật: 24/05/2017
Chiều 22/5, Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức hội thảo “Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng”.  

Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện các Sở/ngành của TP Đà Nẵng, các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp...

Hội thảo nhằm cung cấp những số liệu khoa học mới nhất về số lượng, mật độ và sự phân bố của loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà. Trên cơ sở hiện trạng đó sẽ đề xuất những giải pháp tối ưu và khả thi nhất giúp thành phố Đà Nẵng giữ gìn được báu vật vô giá và độc đáo mà thiên nhiên đã ban tặng cho Đà Nẵng.


Quang cảnh hội thảo "Công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng".


Bán đảo Sơn Trà sở hữu một hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển, là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái trong lòng một đô thị hiện đại.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định Sơn Trà có 985 loài thực vật bậc cao có mạch,  gần 300 loài động vật có sương sống ở cạn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng, với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 03 loài cỏ biển.

Bán đảo Sơn Trà còn là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu ngoài tự nhiên. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương. Theo phân hạng của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN), loài đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hoạt động phát triển, đặc biệt là du lịch trong những năm gần đây đã gây nên những áp lực rất lớn và đe dọa sự bền vững sinh cảnh sống của loài Voọc chà vá chân nâu. Trong khi thông tin đầy đủ, chính xác và khoa học nhất về loài Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo không được cập nhật kịp thời.

Vì vậy cơ sở dữ liệu về hiện trạng quần thể Voọc chà vá chân nâu, đặc biệt là số lượng, mật độ và phân bố rất quan trọng để từ đó đưa ra được các giải pháp phù hợp nhằm bảo tồn loài trong bối cảnh sức ép rất lớn từ phát triển.

“Hội thảo lần này hết sức có ý nghĩa, phù hợp với xu thế hiện nay của Việt Nam và thế giới bởi trong năm 2017, Công ước Đa dạng sinh học đã lựa chọn chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.  Còn chủ đề ngày môi trường thế giới năm nay là “Sống hài hòa với thiên nhiên”.

Trong khi đó Chính phủ và chính quyền địa phương đang sẵn sàng tiếp thu cầu thị và công tâm đối với các đóng góp có cơ sở khoa học. Đồng thời cũng trong tháng này Thủ tướng vừa Phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Đà Nẵng cho hay.

Hội thảo cũng đề cập đến 3 nhóm giải pháp chính: Nhóm giải pháp về khoa học nghiên cứu, giám sát loài ngoài tự nhiên. Nhóm giải pháp về chính sách và thực thi chính sách bảo tồn loài và Nhóm giải pháp về giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức.

Trong lúc đó, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học (Trung tâm GreenViet) Bùi Văn Tuấn cho rằng, để bảo vệ Sơn Trà và Voọc chà vá chân nâu cần tăng cường sự giám sát hoạt động của du khách tại các trạm gác tại các điểm ra vào bán đảo Sơn Trà để giám sát và giảm thiểu hoạt động bẫy bắt, săn bắn.

“Chúng ta cần giám sát và ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt, phá rừng làm mất môi trường sống của Voọc tại các khu vực quy hoạch dự án phát triển. Lắp các biển hiệu cảnh báo tại các điểm có Voọc đi qua đường và giám sát việc tự do đi lại trên các tuyến đường có nhiều Voọc chà vá chân nâu phân bố.

Ngoài ra, cần giáo dục nâng cao nhận thức cho du khách trong việc ứng xử với động vật hoang dã trên bán đảo Sơn Trà (không cho động vật ăn, không vứt rác bừa bãi)…”, ông Bùi Văn Tuấn cho biết.
 

Toquoc.vn