Chiều 24/5, tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với Hải Vân Quan.
Tham dự Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đối với Hải Vân Quan có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, UBND TP. Đà Nẵng cùng đông đảo người dân hai tỉnh, thành.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên khẳng định: “Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, từ khi cha ông ta mở cõi vào phía Nam thì Hải Vân Quan thực sự là một gạch nối hết sức quan trọng trên con đường thiên lý.
Vị trí xung yếu này là một mối quan tâm đặc biệt đối với nhiều triều đại, nơi đây được đánh giá là một vị trí chiến lược cần phải khống chế để tập kết quân đội, đặt đồn điền kiểm soát cả đường bộ lẫn đường thủy. Với tư cách là một công trình kiến trúc thành lũy quân sự, đây thực sự là một trong những quan ải hùng tráng nhất ở Việt Nam.
Viêc Bộ VHTTDL quyết định xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích Quốc gia đã khẳng định những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của di tích, đồng thời cũng là sự ghi nhận sự đồng lòng nhất trí của hai tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng đối với việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc”.
Để phát huy giá trị của di tích, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng đề nghị thành phố Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền về các giá trị của di tích, qua đó nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị để di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện từng bước dự án tu bổ, tôn tạo gắn liền phát triển du lịch địa phương, đồng thời đầu tư kinh phí, huy động nuồn lực xã hội tham gia bảo vệ di tích. Kiện toàn bộ máy quản lý di tích phù hợp với quy định của pháp luật về phân cấp quản lý di tích, đáp ứng nhu cầu bảo vệ và phát huy giá trị di tích của địa phương trong điều kiện hiện nay.
Cũng tại buổi lễ UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và UBND TP. Đà Nẵng đã thống nhất ký kết Bản ghi nhớ phối hợp thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia Hải Vân Quan với một số nội dung như: Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp quản lý, bảo vệ. Triển khai cắm mốc khoanh vùng bảo vệ theo hồ sơ di tích; dựng biển giới thiệu và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích. Tổ chức tuyên truyền và giới thiệu, quảng bá hình ảnh, những giá trị di sản văn hóa gắn liền với Hải Vân Quan trên phương tiện thông tin đại chúng.
Xây dựng kế hoạch, bố trị lực lượng liên ngành tăng cường quản lý, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hạn chế việc tác động làm ảnh hưởng đến các yếu tố gốc gắn liền với di tích. Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông,an ninh trật tự để phục vụ cộng đồng và khách tham quan.
Phối hợp lập hồ sơ Quy hoạch tổng thể tu bổ, tôn tạo, bảo quản và phục hồi di tích Hải Vân Quan gắn với phát triển du lịch bền vững. Định hướng, đề xuất các dự án thành phần, phân kỳ đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư cho các dự án trùng tu di tích, tạo thành điểm đến du lịch hấp dẫn của miền Trung và cả nước.
Phối hợp thăm dò và thám sát khảo cổ các hạng mục công trình, đảm bảo tính chân xác trong việc tu bổ tôn tạo các yếu tố gốc gắn liền với di tích Hải Vân Quan; tổ chúc các Hội nghị khoa học các chuyên gia, nhà nghiên cứu ở hai địa phương và trung ương để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền di dời, giải tỏa, loại bỏ một số công trình không liên quan đến hiện trạng, yếu tố gốc của di tích. Triển khai hoàn thiện hồ sơ khoa học để báo cáo, đề nghị Bộ VHTT&DL trình Chính phủ xếp hạng Hải Vân Quan là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Di tích Hải Vân Quan được xây dựng từ đời nhà Trần và được trùng tu dưới thời vua Minh Mạng (1826) dưới dạng cửa ải phòng thủ. Công trình nằm ở độ cao 490m so với mực nước biển trên vùng giáp ranh giữa thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế và phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Đây là di tích có nhiều giá trị về mặt lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, không chỉ là vị trí phòng thủ quan trọng của cửa ngõ phía nam Kinh thành Huế mà còn là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.
Trước đó, do không rõ ràng trong việc phân cấp quản lý giữa hai địa phương Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng mà một thời gian dài Hải Vân Quan bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, cuối năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng đã thống nhất lập hồ sơ khoa học đề đề nghị xếp hạng di tích đối vơi Hải Vân Quan.
Đến ngày 14/4/2017, Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL về việc xếp hạng là Di tích quốc gia đối với công trình này.
Việc công nhận Hải Vân Quan là Di tích cấp quốc gia là tín hiệu đáng mừng cho cả hai địa phương Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng. Từ đây, cả hai địa phương có thể bắt tay vào đầu tư cải tạo và quản lý cho di tích, biến nơi đây trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong thời gian tới.