Quảng Nam – Hành trình kết nối di sản
Cập nhật: 08/06/2017
(TITC) - Đây là chủ đề của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 năm 2017 do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức từ ngày 7 – 14/6/2017 tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An và một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. 

Phố cổ Hội An

Festival nhằm quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam và đặc trưng văn hóa Quảng Nam; đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa giữa các địa phương trong nước, giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, qua đó giới thiệu hình ảnh, thu hút đầu tư vào Quảng Nam, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Festival Di sản Quảng Nam 2017 sẽ chính thức khai mạc vào 20h00 ngày 9/6 tại Quảng trường biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) và bế mạc vào 20h00 ngày 14/6 tại Quảng trường Sông Hoài (TP. Hội An). Trong đó, chương trình nghệ thuật khai mạc festival sẽ là sự kết nối hài hoà giữa các di sản văn hoá của tỉnh Quảng Nam với các di sản văn hóa của cả nước, nhằm chuyển tải đến công chúng thông điệp về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa. Bằng việc khai thác triệt để các hình thức trình diễn tự nhiên kết hợp nghệ thuật sắp đặt cùng việc sử dụng công nghệ như ánh sáng laze, trình chiếu 3D Mapping tương tác giữa thực và ảo, chương trình hứa hẹn sẽ đem đến cho người xem những màn trình diễn ấn tượng.

Ngoài chương trình khai mạc, bế mạc, hơn 20 hoạt động văn hóa, thể thao, thương mại, xúc tiến du lịch tiêu biểu cũng được tổ chức trong khuôn khổ festival. Mở đầu chuỗi hoạt động này là hội thi hợp xướng quốc tế Việt Nam lần thứ 5 – Hội An 2017 diễn ra từ ngày 7 - 10/6 tại nhà hát Hội An. Đây là một nhạc hội mang đầy cảm hứng của âm nhạc, văn hóa và tình hữu nghị với sự tham gia của khoảng 1.500 nghệ sĩ thuộc hơn 30 đoàn hợp xướng, trong đó có 24 đoàn quốc tế đến từ 15 quốc gia, vùng lãnh thổ. Không chỉ là âm nhạc, du khách tham quan phố cổ Hội An về đêm trong những ngày này còn được khám phá những nét văn hóa đặc sắc của các quốc gia qua nhạc cụ, trang phục, phong cách trình diễn của các nghệ sĩ.

Tiếp đó, từ ngày 8 – 11/6, tại phường Cẩm Nam (TP. Hội An) và bãi biển Tam Thanh (TP. Tam Kỳ) sẽ diễn ra Festival Diều quốc tế quy tụ khoảng 90 nghệ nhân trong nước và 28 nghệ nhân đến từ 12 quốc gia tham gia biểu diễn. Các nghệ nhân sẽ trình diễn và giới thiệu đến du khách khoảng 300 diều truyền thống và hiện đại.

Một trong những hoạt động nổi bật tại Festival Di sản Quảng Nam 2017 là triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam” tổ chức từ ngày 9 - 14/6 có sự tham gia của 15 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa –Vũng Tàu, Kiên Giang và Quảng Nam), Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam và Trung tâm Triển lãm văn hoá nghệ thuật Việt Nam. Triển lãm bao gồm các hoạt động: lễ khai mạc; trưng bày tư liệu, hiện vật lịch sử về văn hoá biển, đảo Việt Nam và quá trình xây dựng, bảo vệ biển, đảo Việt Nam; nét đẹp văn hoá biển, đảo Việt Nam trong lòng dân tộc và bạn bè quốc tế; trưng bày “Sắc màu văn hoá, du lịch biển đảo các tỉnh/thành phố” – giới thiệu về văn hoá, du lịch biển đảo, ẩm thực, sản vật địa phương; chương trình nghệ thuật của các đơn vị tham gia triển lãm.

Cùng thời gian này, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên) sẽ diễn ra triển lãm trưng bày chuỗi di sản văn hóa tháp Chăm các tỉnh miền Trung với các hoạt động: trưng bày, giới thiệu hình ảnh, hiện vật của di sản văn hoá tháp Chăm các tỉnh miền Trung; giới thiệu các Bảo vật quốc gia thuộc di  sản văn hoá Chăm… Ngoài ra, vào lúc 19h30 ngày 10/6, tại Trụ sở Ban Quản lý Di sản Văn hoá Mỹ Sơn chương trình nghệ thuật “Huyền thoại Apsara” sẽ được khai mạc nhằm giới thiệu đến du khách các tiết mục nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hoá Chăm.

Liên hoan Hô hát Bài chòi các tỉnh miền Trung Việt Nam và trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO vinh danh sẽ được tổ chức từ ngày 10 - 13/6 tại Quảng trường Biển Tam Thanh (TP. Hội An) với sự tham gia của 16 tỉnh, thành phố trong cả nước (TP. Đà Nẵng, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Vĩnh Phúc, Bình Định, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thừa Thiên - Huế, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận và Quảng Nam). Liên hoan bao gồm các hoạt động: lễ khai mạc vào lúc 19h30 ngày 10/6; trình diễn các di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại; diễn xướng hô hát Bài chòi. Ngoài ra, các đơn vị sẽ tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách tại TP. Hội An, TP. Tam Kỳ và một số địa phương trong tỉnh Quảng Nam.

Từ ngày 10 – 13/6, tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My cũng sẽ diễn ra Lễ hội sâm núi Ngọc Linh nhằm quảng bá những giá trị đặc biệt của cây sâm Ngọc Linh, góp phần đưa sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu và giá trị kinh tế cao của tỉnh Quảng Nam. Ngoài lễ khai mạc vào lúc 19h30 ngày 10/6 tại Sân vận động huyện, lễ hội còn bao gồm các hoạt động: trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sâm Ngọc Linh; các hoạt động văn hoá, nghệ thuật; các tour du lịch khám phá, trải nghiệm vùng trồng sâm Ngọc Linh và khám phá văn hoá của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My…

Từ ngày 12 - 13/6, Hội An sẽ trở thành một không gian lễ hội thực sự hấp dẫn với Festival tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới, có sự tham gia của Hiệp hội Tơ lụa châu Á, Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Học viện Mê Kông Thái Lan cùng gần 20 làng nghề tơ lụa trong nước. Festival sẽ giới thiệu đến du khách kỹ thuật dệt lụa truyền thống; trưng bày sản phẩm lụa của các làng dệt trong và ngoài nước; chương trình trình diễn thời trang (vào 19h30 ngày 12/6 tại khuôn viên Khổng Tử Miếu, phường Cẩm Phô, TP. Hội An); hội thảo về tơ lụa trong đời sống hiện đại (khai mạc lúc 8h00 ngày 13/6 tại Làng lụa Hội An).

Không chỉ vậy, Liên hoan ẩm thực quốc tế diễn ra từ ngày 12 - 14/6 tại Vườn tượng An Hội (TP. Hội An) sẽ là nơi gặp gỡ của những người đam mê ẩm thực từ khắp mọi miền đất nước và thế giới. Liên hoan quy tụ 12 đầu bếp quốc tế đến từ 12 quốc gia đang làm việc tại các nhà hàng, khách sạn và resort 5 sao tại Việt Nam. Các đầu bếp sẽ giới thiệu đến thực khách trong và ngoài nước món ăn truyền thống của Hội An – món Cao Lầu theo phong cách đặc trưng của nước mình, dựa trên “phiên bản gốc” của món ăn này.

Cũng trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần này, hội thảo về bảo tồn, phát huy giá trị các đô thị di sản sẽ được khai mạc lúc 8h00 ngày 14/6 tại khách sạn Hội An (TP. Hội An). Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia UNESCO và chuyên gia trong nước trên lĩnh vực di sản, kiến trúc, quản lý và quy hoạch đô thị, cùng đại diện các tỉnh, thành phố có Di sản thế giới của Việt Nam. Hội thảo tập trung thảo luận những vấn đề định hướng trong công tác bảo tồn các đô thị di sản; Đô thị di sản, vai trò của cộng đồng và các bên liên quan; Các giải pháp đề xuất cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản; Thảo luận và ký kết Tuyên bố Hội An…

Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn ra Festival Di sản Quảng Nam 2017 còn rất nhiều hoạt động sôi nổi khác được tổ chức như: Festival thuyền Kayak khai mạc lúc 7h30 ngày 10/6 tại hồ Phú Ninh (TP. Tam Kỳ); giải Lướt ván buồm vô địch thế giới và giải Đua thuyền buồm Việt Nam mở rộng từ ngày 11 - 14/6 tại bãi biển An Bàng (TP. Hội An); kỷ niệm 415 năm Dinh trấn Thanh Chiêm từ ngày 12 - 14/6 tại thị xã Điện Bàn; ngày hội Trình diễn nghi thức dựng cây Nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam từ ngày 11 - 13/6 tại huyện Tây Giang; “Diễn đàn du lịch miền Trung – Tây Nguyên” ngày 10/6 tại khách sạn Mường Thanh (TP. Hội An)... và khai trương một số tuyến, điểm du lịch mới.

Festival Di sản Quảng Nam lần thứ 6 – năm 2017 đã sẵn sàng để chào đón du khách đến với vùng đất giàu truyền thống văn hóa này.

Lam Phương