(TITC) – Nhân dịp diễn ra Hội nghị đại dương 8/6/2017, tạp chí UN Chronicle đã đăng bài viết của Tổng thư ký Tổ chức Du lịch thế giới Taleb Rifai có tiêu đề “Du lịch: Cam kết bảo vệ hệ sinh thái dưới nước”.
“Khi chúng ta nhắm mắt lại và nghĩ về những kỳ nghỉ, chúng ta mơ về những hòn đảo và điểm đến ven biển, vì đây là những điểm đến lý tưởng cho một chuyến đi hoàn hảo.
Nhu cầu du lịch biển đảo là rất lớn. Do vậy, các bờ biển có sự tập trung đầu tư mạnh. Khi ngành du lịch ngày càng phát triển, đạt đến 1,2 tỷ lượt khách năm 2016, chúng ta cần phải giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững ở các điểm đến biển đảo, đặc biệt là về biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, đồng thời tối ưu hóa tiềm năng du lịch trong việc đóng góp vào kinh tế xanh và tạo công ăn việc làm.
Đại dương rất nhạy cảm, đất đai, nước ngọt và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác thường khan hiếm ở vùng ven biển. Điều này, một phần là do áp lực phát triển và các hoạt động khác trên vùng này, trong đó có du lịch. Do đó, bắt buộc phải xây dựng khung chính sách và quản lý hiệu quả để hỗ trợ phát triển du lịch biển đảo bền vững. Sự bền vững này có thể được tăng cường bằng việc kết hợp quy hoạch du lịch trong quy hoạch tổng thể vùng ven biển, tăng cường đánh giá các dự án phát triển du lịch, giám sát và quản lý doanh nghiệp du lịch để đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển tại địa phương.
Các nỗ lực từ khu vực công tư, các tổ chức xã hội và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ hình thành các mô hình du lịch biển đảo bền vững. Với những nỗ lực như vậy, du lịch có thể là công cụ bảo vệ đa dạng sinh học biển và đa dạng sinh học trên cạn vùng duyên hải và hải đảo. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên này tạo nguồn thu nhập và công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương và cũng mang lại nguồn tài chính cần thiết cho việc bảo vệ vùng ven biền.
Nếu không có đánh giá toàn diện về tác động của phát triển du lịch đối với các vùng ven biển thì không thể xác định chính sách và chiến lược kinh doanh phù hợp. Do vậy, Mạng lưới quốc tế về du lịch bền vững, hoạt động dưới sự bảo trợ của Tổ chức Du lịch thế giới, sẽ là một công cụ hiệu quả để giám sát các tác động môi trường, xã hội, kinh tế của du lịch. Chỉ bằng cách hiểu được mối quan hệ giữa du lịch và môi trường, chúng ta mới có thể cải tiến các sáng kiến du lịch bền vững hiện có và đảm bảo rằng du lịch tiếp tục hỗ trợ cho cả cộng đồng địa phương và điểm đến nói chung.
Du lịch có thể trở thành một công cụ tốt nhất để bảo vệ đại dương và biển đảo toàn cầu, và khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng. Các khách sạn có thể tài trợ các chiến dịch nâng cao nhận thức về hệ sinh thái đại dương và phổ biến kiến thức cho du khách về các loài sinh vật biển như là cá heo, cá voi và các rạn san hô. Ngoài ra, các tổ chức xã hội có thể thúc đẩy các hoạt động bền vững ở khu vực ven biển.
Năm 2017 được chọn là Năm quốc tế vì sự phát triển du lịch bền vững. Đây là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy ngành du lịch tham gia vào việc quản lý bờ biển và bảo tồn và bảo vệ hệ sinh thái biển và đất liền phục vụ phát triển kinh tế xanh.
Mục tiêu phát triển bền vững số 14 nhằm mục đích bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển đảo và nguồn tài nguyên biển để phát triển bền vững. Mục tiêu 14.7 kêu gọi cộng đồng quốc tế “ gia tăng lợi ích kinh tế cho các đảo quốc đang phát triển và các nước kém phát triển nhất từ việc sử dụng bền vững nguồn tài nguyên biển, bao gồm thông qua quản lý bền vững đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và du lịch” vào năm 2030. Ngành du lịch đã cam kết nỗ lực bảo vệ biển đảo để cho các thế hệ tương lai thụ hưởng đồng thời thừa nhận tiềm năng kinh tế lâu dài của du lịch phụ thuộc vào thực tiễn phát triển bền vững, và sự giảm thiểu tác động của con người tới hệ sinh thái biển.
Đến tham dự Hội nghị đại dương được tổ chức từ ngày 5 đến 9 tháng 6 tại New York, chúng tôi kêu gọi ngành du lịch thể hiện cam kết phát triển bền vững thông qua các cam kết tự nguyện và đi đầu trong việc đối phó với thách thức chung của nhân loại”.
Taleb Rifai
(Tổng thư ký Tổ chức du lịch thế giới)
Hồng Thanh (Dịch từ tạp chí UN Chronicle)