Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết, điểm tham quan Hoàng Cung Huế (Đại Nội) do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý đã vinh dự được xếp vị trí thứ 2 trong top 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam (sau Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội).
Kết quả này dựa trên cơ sở phiếu thống kê, đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa có uy tín trong ngành Du lịch. Đây cũng là lần thứ 2 trong hai năm liền 2016, 2017, điểm tham quan Hoàng Cung Huế vinh dự nhận giải thưởng này.
Nổi bật, Hoàng cung Huế đang thu hút khách với tour du lịch “Huế - một điểm đến 5 di sản”, gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Để khai thác tốt lợi thế trên, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã chủ động quảng bá thương hiệu “Huế - một điểm đến 5 di sản” để du lịch Huế thực sự mạnh với “di sản trong di sản”, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.
Dịp này, du lịch Huế có nhiều hoạt động kích cầu như: xây dựng và triển khai chuỗi sản phẩm du lịch, giải trí của các đơn vị lữ hành và cung cấp dịch vụ điểm đến ở Huế; tham quan Đại Nội về đêm, thưởng thức món ăn Huế và ca Huế trên Ngự thuyền Long Quan (Emperor Dragon Boat), tour khám phá di tích và đồng quê bằng xe vespa cổ hoặc bằng xe đạp, tour du lịch cộng đồng tham quan thượng thành Huế.
Gần đây, từ ngày 22/4, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mở cửa Đại nội Huế về đêm đón khách du lịch.
Tuyến tham quan Hoàng cung Huế về đêm, bao gồm Ngọ Môn-điện Thái Hòa-Thế Miếu-cung Diên Thọ-cung Trường Sanh-lầu Tứ Phương Vô Sự; đồng thời, kết hợp với trục phía đông Duyệt Thị Đường-khu Phủ Nội Vụ.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện nhiều hoạt động thu hút du khách trong Đêm Hoàng cung tại Đại Nội Huế như các chương trình “lễ đổi gác” hoặc cảnh “đám cưới trong Hoàng cung” và các trò chơi “Xăm hường” hàng ngày để thu hút khách tham quan.
Đặc biệt, nhà hát Duyệt Thị Đường, vốn là nhà hát trong hoàng cung xưa nay được khôi phục lại và tổ chức 4 suất diễn/ngày phục vụ khách tham quan.
Từ sau khi UNESCO công nhận Nhã nhạc – âm nhạc cung đình Việt Nam là Di sản văn hoá phi vật thể của thế giới, đến nay nhà hát Duyệt Thị Đường đã có trên 40 bài nhạc lễ, nhiều tiết mục múa Cung đình đặc sắc được sưu tầm, dàn dựng và biểu diễn, đưa Nhã nhạc Huế từ chốn cung đình đến với công chúng và khách du khách.
Mỗi tối, tuyến tham quan Đêm Hoàng cung đón từ 4.000-9.000 khách vào tham quan.
Riêng dịp 30/4 và 1/5, có 30.249 lượt khách, trong đó có hơn 9.000 lượt khách quốc tế.
Việc mở cửa Đại Nội vào ban đêm là một sản phẩm du lịch mới, hy vọng “níu chân” khách du lịch ở lại Huế lâu hơn, kéo theo nhiều loại hình dịch vụ khác tăng theo, góp phần kích thích ngành du lịch phát triển.
Năm 2017, tỉnh Thừa Thiên-Huế phấn đấu thu hút khoảng 3,3-3,5 triệu lượt khách (tăng 8%), lượng khách quốc tế chiếm từ 40- 45%; doanh thu du lịch đạt 3.200-3.300 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2016.
Riêng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đến 10/7/2017 đã đón được 1.650.000 lượt khách du lịch; doanh thu từ bán vé tham quan và các hoạt động dịch vụ trong di tích đạt 175,4 tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2016./.