Tỉnh Lâm Đồng cần khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh du lịch, dịch vụ; phải có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động có mục tiêu cụ thể để phát triển du lịch nhanh và bền vững (chú trọng phát triển hạ tầng du lịch, thu hút các doanh nghiệp du lịch, có các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá...).
Đây là nội dung tại Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng.
Cũng theo Thông báo này, Phó Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; bảo đảm gắn kết chặt chẽ với quy hoạch vùng; tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa lợi thế của địa phương (trong đó chú trọng các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao; bảo vệ, phát triển rừng và bảo vệ các nguồn tài nguyên khác; du lịch, dịch vụ...).
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách trên địa bàn, quản lý chặt chẽ nguồn thu; kiểm soát chi tiêu chặt chẽ, đúng chế độ và tiết kiệm các khoản chi tiêu công; hạn chế đến mức thấp nhất các khoản chi phát sinh ngoài dự toán.
Tập trung đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, khuyến khích thành lập doanh nghiệp mới; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư chiến lược có đủ năng lực, uy tín đầu tư vào tỉnh. Quan tâm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản sau thu hoạch và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.
Tăng cường quản lý đầu tư, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án trọng điểm; chuẩn bị điều kiện để triển khai các công trình, dự án ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư và bố trí vốn.
Tỉnh Lâm Đồng cần thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung phát triển, tăng cường liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, gắn với xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của tỉnh.
Tỉnh cũng cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 và các cơ chế, chính sách khác đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; chăm lo, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân ở nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng các cấp chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tháo gỡ rào cản gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp; cải thiện mạnh môi trường đầu tư, kinh doanh./.