Từ trung tâm huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) theo đường biên giới khoảng 20km, vượt cửa khẩu Bờ Y, qua ngã ba Đông Dương là đến Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Cột mốc ba biên giới (CMBBG) là nơi “một tiếng gà, ba nước đều nghe”, không những quan trọng đối với kinh tế, an ninh, quốc phòng mà còn là “địa chỉ đỏ” thu hút du khách tham quan du lịch.
CMBBG được khởi công ngày 29/11/2007, khánh thành ngày 18/1/2008 và được ký tại Hiệp ước xác định Giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 26/8/2008.
Vị trí cột mốc nằm ở độ cao 1.086m, trên một đỉnh đồi mênh mông gió núi, mây trời. Mốc phân định biên giới của 3 nước Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư và phía Campuchia là tỉnh Ratanakiri.
Trước kia, khi chưa xây dựng CMBBG, nơi đây là vùng biên hoang vu, nhiều khó khăn. Từ khi CMBBG được xây dựng và nhiều công trình mọc lên, như: đường xá, cầu cống, điện... làm cho vùng đất này khởi sắc. Mối tình hữu nghị 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia không những ngày càng bền chặt mà nơi đây còn trở thành điểm thu hút du khách tham quan về lịch sử.
Hành trình trên con đường biên giới quanh co, đồi núi trùng điệp du khách có dịp đi ngang qua vùng đất truyền thuyết của người KDoong như: tảng đá Mô Yang (đá trời) với truyền thuyết về 7 cô gái và vị vua Hổ, rồi đến thác Đon Chor lãng mạn và nhiều thắng cảnh, truyền thuyết khác. Vùng đất ba biên ngày nay và mai sau luôn là điểm đến lý tưởng của du khách và các nhà đầu tư của ba nước Việt, Lào và Campuchia.
Về phía nước ta, nhằm “đánh thức” du lịch vùng biên, ngày 28/12/2012, UBND tỉnh Kon Tum đã có Quyết định số 1240/QĐ-UBND phê duyệt Đề án khai thác du lịch khu vực Cột mốc quốc giới chung 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia với mục tiêu là để hình thành và phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ngọc Hồi theo quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh, góp phần thúc đẩy nền kinh tế hàng hoá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần nhóm ngành dịch vụ, du lịch.
Ông Trần Văn Phát, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Theo kế hoạch phấn đấu của tỉnh Kon Tum đến năm 2025, du lịch Ngọc Hồi đón khoảng 65.000 - 80.000 lượt khách, trong đó khách trong nước là 55.000 - 60.000 lượt thì lượng khách đến CMBBG Việt Nam - Lào - Campuchia đạt khoảng 90%. Hiện tại, ngành du lịch Kon Tum đang triển khai phát triển các điểm, tuyến du lịch, tour du lịch đồng bộ, hài hoà đồng thời kết nối du lịch CMBBG tạo nên một tam giác du lịch Việt Nam - Lào - Campuchia. Đồng thời, phát triển các loại hình du lịch như du lịch văn hoá các làng đồng bào dân tộc thiểu số; du lịch sinh thái; du lịch tham quan các di tích lịch sử cách mạng…
Theo báo cáo của UBND huyện Ngọc Hồi, địa phương đã và đang từng bước đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung và lĩnh vực du lịch nói riêng như giao thông, thuỷ lợi, thông tin liên lạc, điện, nước, khách sạn, nhà hàng... Riêng cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch.
Để thu hút khách du lịch đến khu vực CMBBG, hiện tỉnh Kon Tum đã cho xây dựng nhà trưng bày hình ảnh giới thiệu quảng bá hình ảnh, tour, tuyến du lịch; xây dụng đền thờ các anh hùng liệt sỹ, giúp cho khách du lịch hiểu sâu sắc về giá trị lịch sử, về mảnh đất con người Việt Nam, đồng thời thắp hương tưởng nhớ tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì tổ quốc thân yêu. Và, những công trình này cũng sẽ góp phần “đánh thức” tiềm năng du lịch của huyện Ngọc Hồi nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung.