Các nhà khoa học cho rằng, nổi bật nhất trong cấu tạo địa chất của vùng ven biển, hải đảo huyện Núi Thành phải kể đến khu vực núi đá Bàn Than thuộc xã đảo Tam Hải. Đá ở Bàn Than không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có niên đại đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất.
Ghềnh đá Bàn Than. Ảnh: kenh14.vn
Ngày 3/8, tại huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo khoa học:“Nhận diện giá trị di sản địa chất huyện Núi Thành”.
Gần 100 nhà khoa học đến từ Viện Địa chất Việt Nam, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu, giáo sư giảng dạy chuyên ngành địa chất tại các trường đại học trên cả nước tham gia hội thảo.
Hơn 20 bản tham luận khoa học được trình bày tại hội thảo đã tập trung phân tích một cách khoa học, toàn diện và đánh giá tiềm năng, thế mạnh của di sản địa chất tại khu vực ven biển và hải đảo huyện Núi Thành và các khu vực lân cận. Trên cơ sở đó, các nhà khoa học đưa ra các nhận định về giá trị sinh thái, khảo cổ, lịch sử và văn hóa vùng ven biển và hải đảo của tỉnh Quảng Nam nói chung và huyện Núi Thành nói riêng để hướng đến việc tham gia mạng lưới Công viên địa chất quốc gia và Công viên địa chất toàn cầu.
Các nhà khoa học nhấn mạnh, khu vực các xã ven biển và hải đảo như Tam Hải, Tam Quang và các vùng lân cận thuộc huyện Núi Thành đang sở hữu các thể đá biến chất cổ rất đa dạng, nhất là ở khu vực núi Bàn Than, hòn Mang, hòn Dứa ( xã Tam Hải) và Bãi Rạng (xã Tam Quang).
Theo các nhà khoa học, ở khu vực này, các diện lộ đá biến chất cổ rất rộng, đá lộ khá tươi mới và không bị phủ bởi đất phong hóa. Đá ở khu vực này lưu giữ rất tốt thành phần, sự phân bố và quan hệ với các tập đá khác nhau; các dấu vết kiến tạo như nếp uốn, khe nứt, đứt gãy… khá rõ ràng. Đây là nơi lý tưởng cho các hoạt động du khảo về địa chất, địa lý mang tầm quốc tế.
Các nhà khoa học cho rằng, nổi bật nhất trong cấu tạo địa chất của vùng ven biển, hải đảo huyện Núi Thành phải kể đến khu vực núi đá Bàn Than thuộc xã đảo Tam Hải. Đá ở Bàn Than không phải là đá núi lửa, mà là đá gốc có niên đại đến 400 triệu năm, được đẩy nhô lên khỏi mặt biển qua một đợt kiến tạo địa chất. Ngoài các giá trị địa chất, vùng này còn hội tụ nhiều yếu tố văn hóa đặc trưng của một vùng đất có bề dày văn hóa.
Với các đặc điểm về cảnh quan cũng như giá trị khoa học như trên, khu vực các xã Tam Hải, Tam Quang và phụ cận thuộc huyện Núi Thành, các nhà khoa học khẳng định khu vực này xứng đáng là một di sản địa chất ở tầm cỡ thế giới.
Vì vậy hội thảo lần này là tiền đề để tỉnh Quảng Nam xây dựng hồ sơ bảo tồn và xây dựng hồ sơ khoa học để tham gia vào mạng lưới Công viên địa chất quốc gia, Công viên địa chất toàn cầu đối với di sản địa chất huyện Núi Thành. Đây cũng là yếu tố quan trọng tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển đảo một cách bền vững.
Đoàn Hữu Trung