Không có ga tàu, đường cao tốc hay cảng biển đó là bất lợi rất lớn đối với tỉnh Tuyên Quang trong chiến lược phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tín hiệu vui từ xúc tiến đầu tư Du lịch
Theo ông Chẩu Văn Lâm, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang: "Chỉ còn một thời gian ngắn nữa, Dự án khu nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư sẽ chính thức khởi công những hạng mục đầu tiên. Hiện nay, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư."
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cùng đoàn công tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến thăm Lán Nà Nưa (Chiều 12/8)
Đó là một trong những thành quả bước đầu của công tác xúc tiến đầu tư Du lịch tại tỉnh Tuyên Quang. Cũng theo ông Lâm: "Du lịch được tỉnh xác định là một trong bốn lĩnh vực đột phá (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và tiếp tục xác định là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh (nhiệm kỳ 2015 - 2020)."
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, UBND tỉnh Tuyên Quang đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư 18.289 tỷ đồng. Trong đó, riêng về lĩnh vực Du lịch đã có đến 2 dự án lớn là: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn VinGroup và Dự án đầu tư Khu du lịch huyện Na Hang (Lâm Bình) của Doanh nghiệp Xuân Trường.
Đến nay, ngành Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã kết nối, xây dựng được 12 tour, tuyến và 285 cơ sở lưu trú với 37 khách sạn được thẩm định từ 1 đến 4 sao. Chỉ tính riêng trong năm 2016 đã có đến 1.440.500 lượt khách và 6 tháng đầu năm 2017 là 1.136.700 lượt khách du lịch đến với tỉnh Tuyên Quang. Doanh thu từ Du lịch đạt trên 1.200 tỷ đồng năm 2016 và 934 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2017.
Nhằm nâng tầm thương hiệu các điểm đến Du lịch trên địa bàn, hiện nay tỉnh Tuyên Quang đang lập hồ sơ Khu Di sản thiên nhiên quốc gia Na Hang (Lâm Bình) để trình Chính phủ xếp hạng Khu Di sản thiên nhiên quốc gia đặc biệt. Đồng thời, hoàn thành xây dựng hồ sơ quốc gia "Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam" trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Phối hợp với Hà Giang để hình thành chuỗi điểm đến Du lịch
Khách Du lịch đến với Tuyên Quang chắc chắn không thể bỏ qua các địa danh lịch sử của Cách mạng như: Cây đa Tân Trào, Lán Nà Nưa, Đình Hồng Thái, Khu di tích nhà ở và hầm an toàn của đồng chí Tôn Đức Thắng...Tuy nhiên, với thực tại không có ga tàu, đường cao tốc hay cảng biển đã làm ảnh hưởng không nhỏ về số lượng khách du lịch đến với tỉnh Tuyên Quang.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện làm việc với tỉnh Tuyên Quang.
Trong buổi làm việc mới đây với tỉnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nhấn mạnh: "Từ thực tế khó khăn đó, tỉnh Tuyên Quang cần phối hợp với tỉnh Hà Giang để hình thành một tour du lịch bởi cùng nằm trên một trục Quốc lộ. Tuyên Quang phải xác định, thị trường khách du lịch đến với tỉnh là của một số tỉnh lân cận đặc biệt là Thủ đô Hà Nội."
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã bày tỏ vui mừng vì những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh Tuyên Quang. Đặc biệt, chiến lược phát triển Du lịch của tỉnh Tuyên Quang hiện nay phù hợp với chiến lược phát triển Du lịch của đất nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho ngành Du lịch phải đạt được mức tăng trưởng là 30%. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành, chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã yêu cầu tỉnh Tuyên Quang cần phát huy hơn nữa tiềm năng lợi thế của quê hương Cách mạng để sớm trở thành một địa phương đầu tàu trong chiến lược phát triển Du lịch quốc gia.
Thế Công