Hấp dẫn Tuần lễ văn hóa biển Quảng Ngãi
Cập nhật: 05/09/2017
Tuần lễ văn hóa biển Quảng Ngãi diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng từ ngày 30/8 đến hết ngày 5/9. Người xem rất hào hứng khi sờ tận tay những hòn đá nhỏ bắn ra từ miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn và dạo chơi đến những bãi biển hoang sơ đầy thơ mộng.

Tuần lễ văn hóa biển Quảng Ngãi có nhiều nội dung đặc sắc, được tổ chức ở đảo Lý Sơn và đất liền, bao gồm hội thảo phát triển Lý Sơn, công nhận di tích lịch sử văn hóa, bóng chuyền bãi biển …

Tại triển lãm chuyên đề “Quảng Ngãi - di sản văn hóa biển, đảo” tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh, Ban tổ chức đã phục dựng lại thuyền câu của lính Hoàng Sa thường được đặt tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn. Nhiều hình ảnh phụ họa tại triển lãm cũng đã kể lại câu chuyện sống động về những người lính Hoàng Sa hàng trăm năm trước đã phụng lệnh triều đình ra giữ đảo Hoàng Sa của Tổ quốc. Bên cạnh đó là các loại cổ vật biển hé mở một phần về con đường giao thương trên biển từ nhiều thế kỷ trước và các tài liệu của triều đình nhà Nguyễn về Hoàng Sa, Trường Sa.

Cuộc sống và ngành nghề thủ công của người dân chài cũng được tái hiện một phần từ gian hàng làng mắm truyền thống Đức Lợi. Thập niên 80 của thế kỷ trước, tàu đánh cá Đức Lợi là tàu lớn nhất ở tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định). Nghề biển ở đây dần mai một và hiện nay chỉ còn những con tàu nhỏ bé đánh bắt gần bờ. Tuy nhiên, người dân chài ở Đức Lợi vẫn giữ cho nghề mắm phát triển. Người dân Quảng Ngãi đã quen với hình ảnh nhiều năm trước, những người phụ nữ miền biển Đức Lợi còng lưng trên chiếc xe đạp chở mắm trong các can, chai và rong ruổi khắp các làng quê. Hiện nay, mắm Đức Lợi đã được xuất bán đi nhiều nơi, có đóng nhãn mác để làm nên thương hiệu vững chắc.

Tuần lễ văn hóa biển Quảng Ngãi là dịp để địa phương này giới thiệu tiềm năng về thiên nhiên, cảnh đẹp và nét văn hóa độc đáo đến với du khách. Có một địa danh được du khách quan tâm, đó là công viên địa chất toàn cầu trải dài từ đảo Lý Sơn vào xã Bình Châu trong đất liền. Có thể người xem sẽ không đủ thời gian để đi ngược lại quá trình hình thành công viên địa chất này cách đây hàng triệu năm với nhiều thuật ngữ khoa học và con số khó nhớ, nhưng du khách có thể đắm mình vào những vách đá nguyên sơ, có đường nét đẹp và kỳ lạ trên vách núi cạnh biển, trong các hang đá trên đảo.

Theo các nhà nghiên cứu, riêng đảo Lý Sơn có 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé, 3 miệng núi lửa ngầm, là nguồn “tài nguyên” du lịch vô giá. Tại gian trưng bày của Công ty Đoàn Ánh Dương tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, du khách có thể cảm nhận một góc nhỏ của công viên địa chất toàn cầu qua những viên đá được mang về từ vành miệng núi lửa Thới Lới. Những cục đá có khối lượng nặng gấp 3 lần viên đá bình thường cùng kích thước, được tung lên từ lòng đất cách đây hơn 1 triệu năm.

Sân chơi của các cháu thiếu nhi tại Tuần lễ văn hóa biển, đó là gian trưng bày sách có chủ đề “Biển, đảo Việt Nam và Quảng Ngãi” với hơn 700 đầu sách và 70 bức tranh do các cháu học sinh sáng tác. Các chương trình nghệ thuật được tổ chức hằng đêm tại sân triển lãm, thu hút rất đông người dân và du khách đến xem.

Tuần lễ văn hóa biển Quảng Ngãi tổ chức vào dịp nghỉ lễ, vì vậy mọi người dân có điều kiện để đến những miền quê ven biển có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và không quá xô bồ. Đó là mũi đèn Ba Làng An, làng bích họa Thanh Thủy và vạn chài Nước Ngọt, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn; bãi tắm thôn Châu Tân, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; ngắm bình minh lên đỏ rực trên bờ biển Sa Huỳnh...

Báo Biên Phòng