Từ 15/9 thu phí gộp tuyến khi tham quan di tích Cố đô Huế
Cập nhật: 07/09/2017
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành Quyết định số 75/2017/QĐ-UBND về quy định tạm thời thu phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đối với trường hợp gộp tuyến tham quan, áp dụng thống nhất cho cả khách quốc tế và Việt Nam.

Theo đó, kể từ ngày 15/9/2017, mức thu phí đối với người lớn là 280.000 đồng/người/lượt, trẻ em từ 7 - 12 tuổi hoặc có chiều cao từ 0,8 - 1,3m mức thu phí 55.000 đồng/người/lượt khi tham quan tuyến 3 điểm (gộp tuyến): Hoàng cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Khải Định; mức thu phí 360.000đồng/người/lượt tuyến đối với người lớn và trẻ em là 70.000 đồng/người/lượt khi tham quan 4 điểm: Hoàng cung Huế - Lăng vua Minh Mạng - Lăng vua Tự Đức - Lăng vua Khải Định.

Mức thu phí trên nếu không gộp tuyến là 150.000 đồng/người/lượt cho mỗi điểm tham quan, kể cả khách nước ngoài.

Về chính sách miễn, giảm phí và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí thực hiện theo Quyết định số 66/2017/QĐ-UBND ngày 16/8/2017 của UBND tỉnh quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan di tích lịch sử văn hóa Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.

Kể từ khi hệ thống di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế, đứng đầu là các tổ chức chính phủ, phi chính phủ của các nước Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Đức... để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường.

Đáng chú ý, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, hội nghị quốc gia và quốc tế về chủ đề nghiên cứu, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể; nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và xuất bản hơn 20 công trình nghiên cứu về văn hóa Huế.

Gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đạt được một số thỏa thuận hợp tác với các tổ chức quốc tế như Viện Nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO Waseda - Nhật Bản về trùng tu điện Long An (Thái Miếu triều Nguyễn) và việc phục hồi điện Cần Chánh. Việc tiếp cận, giới thiệu, hợp tác quốc tế trong trùng tu di tích Cố đô Huế ngày càng mang lại hiệu quả rõ rệt.

Bằng các nguồn vốn Trung ương, địa phương và các nguồn khác, đến nay, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai trùng tu, phục hồi gần 150 công trình. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường, phần nội thất công trình của hệ thống di tích Cố đô Huế đã được trùng tu, trả lại diện mạo vốn có.

Nhiều công trình được trùng tu đã phát huy giá trị trong việc đón du khách đến tham quan như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế...

Hoàng cung Huế (Đại Nội) được Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam xếp là một trong 7 điểm tham quan du lịch hàng đầu Việt Nam năm 2017. Đây cũng là lần thứ 2 trong hai năm 2016 - 2017, điểm tham quan Hoàng cung Huế vinh dự nhận giải thưởng này. Hoàng cung Huế đang thu hút du khách với tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua (từ 2 - 5/9), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón 32.000 lượt khách tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế, trong đó có hơn 9.000 lượt khách quốc tế.

Như vậy đến đầu tháng 9/2017, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã đón 2,52 triệu lượt khách du lịch; trong đó hơn 1,2 triệu lượt khách nước ngoài, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2016; doanh thu từ vé tham quan và các dịch vụ trong di tích đạt 235 tỷ đồng, cao hơn số thu cả năm 2016...

Tin, ảnh: Quốc Việt

TTXVN