(TITC) - Ngày 22/11/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch tổ chức Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo
Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chủ trì, có sự tham gia của các chuyên gia nghiên cứu về du lịch, đại diện các cơ sở đào tạo về du lịch tại Hà Nội, lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTTDL và doanh nghiệp du lịch tại một số địa phương.
Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại các Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 và số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013.
Kể từ năm 2011 đến nay, Chiến lược và Quy hoạch được thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những biến đổi sâu sắc về kinh tế, chính trị, xã hội với những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, quá trình thực hiện Chiến lược và Quy hoạch luôn đảm bảo sự nhất quán với quan điểm phát triển, đặc biệt với những quan điểm mang tính đổi mới, đột phá, luôn được lồng ghép trong các định hướng và giải pháp phát triển. Du lịch tiếp tục có bước tăng trưởng đáng ghi nhận, thông qua các chỉ tiêu về lượng khách, thu nhập, cơ sở vật chất kỹ thuật và việc làm… đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn từ năm 2011- 2016, tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 10,7%/năm; khách nội địa là 15,6%/năm; tổng thu từ khách du lịch đạt 26,2%/năm; việc làm du lịch đạt 12,5%/năm và số buồng lưu trú tăng trưởng 10,3%/năm. Đóng góp trực tiếp vào GDP năm 2011 đạt 5%; và năm 2016 đạt 6,96%, đứng thứ 40/184 nước về quy mô đóng góp trực tiếp vào GDP và xếp thứ 55/184 nước về quy mô tổng đóng góp vào GDP quốc gia.
Việc triển khai thực hiện chương trình nâng cao nhận thức du lịch đã có kết quả bước đầu. Nhận thức về quản lý phát triển du lịch ở tầm vĩ mô của các cấp, các ngành và toàn xã hội đều đã có bước chuyển biến rõ rệt. Hoạt động du lịch đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội.
Các chương trình Hành động quốc gia về du lịch, Xúc tiến du lịch quốc gia, Liên kết phát triển du lịch, Áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch… trong Chương trình hành động của Chiến lược đã được triển khai có hiệu quả.
Hoạt động du lịch sôi động ở nhiều địa phương đã tác động tích cực tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội; góp phần tạo thêm việc làm, xóa đói giảm nghèo; xây dựng hình ảnh Việt Nam năng động, thân thiện trong khu vực và quốc tế.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong quá trình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch còn có những hạn chế, bất cập như năng lực cạnh tranh về du lịch còn thấp và chuyển biến chưa nhiều, quá trình phát triển còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu tính đặc thù, chưa mang đậm bản sắc riêng của Việt Nam, sản phẩm còn kém sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, chưa có những thuơng hiệu du lịch nổi bật. Công tác quảng bá, xúc tiến chưa có sự chuyển biến mang tính đột phá, chưa tương xứng với yêu cầu phát triển du lịch. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư cho du lịch trên mọi lĩnh vực còn thấp. Phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch vẫn còn hạn chế. Việc hoạch định chiến lược, triển khai lập quy hoạch phát triển du lịch còn chậm. Công tác quản lý triển khai quy hoạch sau phê duyệt còn nhiều bất cập, nhất là đối với các quy hoạch cấp vùng...
Toàn cảnh hội thảo
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện, có thể thấy hầu hết các chỉ tiêu phát triển (trừ chỉ tiêu về lao động) đều đã đạt và thậm chí vượt xa so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch. Cùng với đó là sự chuyển biến không ngừng của tình hình kinh tế, xã hội trong nước và thế giới, đòi hỏi cần có những điều chỉnh đối với Chiến lược và Quy hoạch để phù hợp với tình hình mới. Đồng thời, việc đánh giá lại tình hình thực hiện các chiến lược, quy hoạch để đề xuất những phương án điều chỉnh phù hợp cũng là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 08-NQ/TW cần triển khai trong thời gian tới.
Theo đó, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch đã đề xuất hướng điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch trong giai đoạn tới như: cần điều chỉnh thời kỳ thực hiện Chiến lược, Quy hoạch; Điều chỉnh quan điểm, mục tiêu theo hướng phù hợp với Nghị quyết 08-NQ/TW; Điều chỉnh các định hướng và giải pháp phát triển du lịch theo lĩnh vực, trong đó chú trọng định hướng tổ chức không gian và giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch; Định hướng đầu tư và danh mục các dự án ưu tiên đầu tư; Điều chỉnh và bổ dung một số kế hoạch hành động của Chiến lược.
Tại hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí với những nội dung đánh giá được nêu trong bản dự thảo báo cáo. Các đại biểu cho rằng, việc đánh giá đã cơ bản bám sát nội dung Chiến lược và Quy hoạch, phác thảo tương đối đầy đủ bối cảnh tác động đến tình hình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch, trong đó có phân tích, đánh giá chi tiết tình hình thực hiện và chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến các kết quả đạt được và hạn chế còn gặp phải, từ đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch cho phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm tới các vấn đề có liên quan tới việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch – yếu tố mà các nhà nghiên cứu cho rằng nó sẽ trở thành một trở ngại lớn nếu không được quan tâm; cần xác định thị trường khách trọng điểm để có thể lựa chọn hướng phát triển phù hợp cho điểm đến; cần xem xét những điểm phát triển “nóng” và chú trọng việc bảo tồn, phát triển bền vững; các vấn đề về quy hoạch khu du lịch quốc gia; quá trình thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt…
Khẳng định tầm quan trọng của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh Chiến lược và Quy hoạch đã góp phần quan trọng định hướng sự phát triển của toàn ngành trong thời gian qua. Những thành tựu đạt được của ngành Du lịch đã được Đảng, Chính phủ và toàn xã hội ghi nhận. Quá trình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là những chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bằng các chính sách cụ thể nhằm thực hiện tốt các giải pháp trong Chiến lược, Quy hoạch.
Phó Tổng cục trưởng ghi nhận kết quả của nhóm nghiên cứu trong việc xây dựng bản dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Chiến lược, Quy hoạch. Đồng thời đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự hội thảo. Các ý kiến rất đa dạng và có giá trị, thể hiện tầm nhìn sâu rộng và đầy tâm huyết của các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch, góp phần quan trọng để các cơ quan quản lý du lịch có cái nhìn sát thực hơn.
Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện bản dự thảo báo cáo để báo cáo Bộ VHTTDL trình Chính phủ. Đây là tiền đề để tiếp tục điều chỉnh Chiến lược, Quy hoạch cho phù hợp với định hướng đề ra.
Tin, ảnh: Thanh Tâm