Festival Huế lần thứ 10/2018 sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 2/5/2018 với chủ đề "Di sản văn hóa hội nhập và phát triển - Huế, một điểm đến - năm di sản". Ðây là dịp để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế năm di sản văn hóa thế giới của Huế đã được UNESCO công nhận, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế (năm 1993), Nhã nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2010), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (2014) và các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của Việt Nam là bài chòi và hát xoan vừa được công nhận.
Festival Huế 2018 tiếp tục tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống như các kỳ liên hoan trước đây với Trung tâm Ðại Nội là hạt nhân của các hoạt động sân khấu ngoài trời và trong nhà. Tham gia liên hoan có các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng, miền trong cả nước, các nhóm nghệ sĩ trẻ tiêu biểu của TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên - Huế, phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống trên con đường hội nhập và phát triển. Nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, quy mô lớn được tổ chức trong dịp này như: Chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc; chương trình "Văn hiến kinh kỳ"; Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc, Lễ hội áo dài lấy ý tưởng từ nghệ thuật Huế, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, chương trình nghệ thuật "Tỏa sáng niềm tin" của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế, chương trình nghệ thuật đường phố, chương trình "Những tình khúc Huế"… Bên cạnh đó là hàng loạt các lễ hội đặc sắc: lễ hội "Hương xưa làng cổ" (tại làng cổ Phước Tích, huyện Phong Ðiền); lễ hội "Chợ quê ngày hội" (tại Cầu Ngói, thị xã Hương Thủy); lễ hội "Sóng nước Tam Giang"; lễ hội đua thuyền trên sông Hương; lễ hội Diều Huế… Một số lễ hội cung đình cũng được tổ chức như: Lễ tế Giao, Lễ tế Xã tắc, lễ hội Ðền Huyền Trân, lễ hội Ðiện Hòn Chén… Cùng thời gian, Ban tổ chức sẽ khai trương những gian trưng bày, triển lãm theo các chủ đề khác nhau, bao gồm: triển lãm "Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc chỉ"; triển lãm "Thái y viện triều Nguyễn qua Châu bản"; trưng bày chuyên đề "Ẩm thực Cung đình Huế qua cổ vật"; trưng bày cổ vật Phật giáo và không gian ẩm thực chay; triển lãm "Hương sắc gốm Bát Tràng"…
Lực lượng nghệ thuật quần chúng cũng giữ vai trò quan trọng trong Festival Huế 2018, đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng như lễ hội biểu diễn nghệ thuật đường phố, thả diều, đua thuyền… giới thiệu những món ăn ngon nổi tiếng xứ Huế, những nét đặc trưng về con người, sinh hoạt của đất cố đô. Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng chuẩn bị sẵn sàng đón khách khám phá vẻ đẹp độc đáo của vùng đất từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Ðông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai. Festival Huế 2018 hiện đã nhận được sự ủng hộ, tài trợ của nhiều doanh nghiệp.
Hiện tại, đã có hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế đăng ký tham dự biểu diễn tại Festival Huế 2018. Việc duy trì đều đặn sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nước ngoài không chỉ làm cho nội dung cuộc liên hoan thêm phần phong phú, hấp dẫn mà có ý nghĩa thúc đẩy giao lưu văn hóa nghệ thuật quốc tế, giúp sự lan tỏa của Festival Huế ngày càng rộng hơn và khẳng định vị thế trên con đường hội nhập và phát triển./.