Tạo thương hiệu cho du lịch Bến Tre
Cập nhật: 22/01/2018
Những năm gần đây, du lịch Bến Tre luôn đạt mức tăng trưởng khá. Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, các khu, điểm du lịch tiếp tục phát triển ổn định. Tuy nhiên, để du lịch Bến Tre phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh, tỉnh đang nỗ lực đề ra những giải pháp mang tính chiến lược để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Khách du lịch tham quan đường quê bằng xe ngựa tại Bến Tre.

Phát triển chưa tương xứng tiềm năng

Bến Tre có chiều dài bờ biển 65 km; trong đó, ba dải cù lao của tỉnh phủ xanh các loại cây có giá trị kinh tế cao cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa… thích hợp để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, Bến Tre vẫn chưa thu hút được nhiều khách du lịch do địa thế ốc đảo, đi lại khó khăn. Ðến khi cầu Rạch Miễu khánh thành vào năm 2009, các khu du lịch sinh thái, du lịch biển ở Bến Tre mới bắt đầu thu hút du khách. Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ - Du lịch - Thương mại Cồn Phụng Phan Văn Thông cho biết: "Hằng năm, đơn vị đón hơn 500 nghìn lượt khách du lịch, trong đó khoảng 20% là khách quốc tế. Các sản phẩm du lịch miệt vườn như: tham quan vườn cây ăn trái, chèo đò, đi xe ngựa, nghe đờn ca tài tử… được du khách ưa chuộng. Sắp tới, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp điều kiện vệ sinh môi trường, đào tạo hướng dẫn viên du lịch, nâng chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu của du khách".

Năm 2017, Bến Tre đón khoảng 1,2 triệu khách du lịch, trong đó khoảng 43% là khách du lịch quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện tại, cơ sở vật chất phát triển du lịch đang được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các điểm du lịch thường xuyên được chỉnh trang, nâng cấp. Toàn tỉnh hiện có 84 điểm du lịch, hơn 2.000 phòng lưu trú đạt chuẩn, 64 đò máy vận chuyển khách du lịch với hơn 1.600 chỗ ngồi, 54 xe ngựa, 73 đò chèo tay… Huyện Châu Thành - cửa ngõ của tỉnh Bến Tre, tiếp giáp tỉnh Tiền Giang, là điểm đến nổi trội của tỉnh trong những năm gần đây, nhất là du lịch sinh thái miệt vườn sông nước tập trung ở các xã ven sông Tiền như: Quới Sơn, Tân Thạch, An Khánh, Phú Túc, Tân Phú… Hiện nay, mỗi năm huyện Châu Thành đón khoảng 700 nghìn lượt khách du lịch, chiếm hơn 50% tổng lượng khách du lịch của cả tỉnh.

Có tiềm năng, nhưng du lịch tỉnh Bến Tre vẫn chưa phát triển tương xứng, còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Thực tế, khách du lịch chỉ đến bốn cụm chính gồm: huyện Châu Thành, thành phố Bến Tre, huyện Chợ Lách và huyện Thạnh Phú. Các địa phương khác trong tỉnh đều rất khó thu hút khách, kêu gọi đầu tư vào du lịch. Bên cạnh đó, loại hình sản phẩm du lịch của tỉnh vẫn mang nét chung của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, chưa có sản phẩm đặc thù; chưa có các khu vui chơi, giải trí quy mô lớn và hấp dẫn. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Theo Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Hàm Luông Nguyễn Văn Sơn: Du khách quốc tế đến Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng vẫn còn lo ngại vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tình trạng "chặt chém" giá dịch vụ, hàng hóa; giao thông. Nhiều công ty du lịch, lữ hành phàn nàn về việc khách du lịch đến đông, nhưng một số nơi không đáp ứng được; tình trạng người chèo đò xin tiền khách công khai.

Ðể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Tỉnh ủy Bến Tre đã ban hành Chương trình hành động số 22-CTR/TU để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết. Theo đó, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre Trần Duy Phương cho rằng: Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh là đa dạng hóa các loại hình du lịch dựa vào tiềm năng về tự nhiên, văn hóa và con người. Phấn đấu đến năm 2020 đón và phục vụ hai triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 47%. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng bình quân ít nhất 25% /năm, đưa ngành du lịch của tỉnh trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng. Ðến năm 2030, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8 đến 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh.

Ngành du lịch tỉnh Bến Tre đang đa dạng hóa sản phẩm và tạo sự khác biệt so với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đặc sắc và phù hợp nhu cầu thị trường. Tỉnh nỗ lực đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư để phát triển du lịch. Hiện tại có năm dự án hoạt động kinh doanh du lịch vừa đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng và bảy dự án đang thi công xây dựng, có tổng vốn đầu tư hơn 2.800 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương kêu gọi đầu tư mười dự án phát triển du lịch khác. Chủ tịch Hội đồng cố vấn Việt - Nhật (Công ty cổ phần gắn kết Việt - Nhật) Lê Ngọc Long cho biết: "Người Nhật Bản rất quan tâm đến Việt Nam, đến du lịch sinh thái, miệt vườn sông nước. Trong đó, Bến Tre có nhiều tiềm năng cho nên cần có sự hợp tác để khai thác nguồn lợi to lớn này. Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam - Nhật Bản. Trong đó, sẽ giới thiệu sản phẩm du lịch tỉnh Bến Tre đến với người Nhật Bản".

Mới đây, trong chuyến công tác tại tỉnh Bến Tre, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao lợi thế của tỉnh khi cho rằng: Bến Tre nằm giữa những dòng sông lớn như: sông Tiền, Cổ Chiên, Hàm Luông với những cù lao, vườn dừa, vườn cây ăn trái xanh ngát là lợi thế mà không địa phương nào có được. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, môi trường sinh thái trong lành, vùng đất "địa linh - nhân kiệt" với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn du khách. Thời gian tới, Bến Tre cần có giải pháp đầu tư phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo từ cây dừa, có cơ chế khuyến khích tư nhân xây dựng bảo tàng dừa; phát triển đồng thời các dự án đầu tư lớn với loại hình du lịch homestay. Trong phát triển du lịch của Bến Tre, Nhà nước cần giữ vai trò định hướng và ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Ðồng chí Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cho biết: Ðể đạt được mục tiêu phát triển du lịch, các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị đang cùng vào cuộc, tập trung chỉ đạo quyết liệt bằng chương trình hành động cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, sẽ tập trung nâng cao nhận thức về du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch nhằm phát huy thế mạnh, tiềm năng của tỉnh. Hoạt động du lịch phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả, xây dựng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tạo thương hiệu cho du lịch Bến Tre.

Bài và ảnh: Hoàng Trung

nhandan.com.vn