Tối 3/2, tại huyện Quế Phong (Nghệ An) diễn ra Đêm hội Sắc xuân miền Tây lần thứ 5. Cũng trong dịp này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã trao bằng công nhận Lễ Xăng Khan của người Thái Nghệ An là Di sản cấp quốc gia.
Sắc xuân miền tây là hoạt động văn hóa thường niên của các huyện miền núi Nghệ An. Đến dự đêm hội có sự tham dự của đồng chí Phạm Định Phong - Cục Phó Cục Di sản Văn hóa, Bộ VHTTDL.
Về phía tỉnh Nghệ An có ông Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Đồng chí Hồ Mậu Thanh - Tỉnh ủy Viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An và các đại biểu đến từ Ban Dân tộc tỉnh, các đại diện chính quyền từ 21 huyện, thành thị trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tham gia biểu diễn còn có các đoàn thể thao, nghệ thuật đến từ các địa phương như huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn và Tương Dương...
Tại buổi lễ, đại diện Bộ VHTTDL đã trao bằng công nhận nghi lễ Xăng Khan là di sản văn hóa cấp quốc gia của người Thái Nghệ An. Đây là di sản văn hóa cấp quốc gia thứ 2 của người Thái ở Nghệ An. Trước đó, nghi lễ đền Chín Gian được công nhận vào năm 2016.
Lễ hội Xăng Khan còn được gọi là Kin chiêng boọc mạy, tùy theo đặc điểm của từng vùng, miền. Lễ hội là dịp để người dân khắp bản làng trả ơn thầy mo đã chữa khỏi bệnh cho gia đình. Đây cũng là ngày để các đôi trai gái có dịp gặp gỡ, kết duyên vợ chồng.
Theo những bậc cao tuổi ở các bản làng đồng bào Thái, lễ hội Xăng Khan có từ xa xưa. Thuở đó, “mặt đất còn như lá đa, bầu trời như nắp con ốc, rừng núi như dấu chân con gà”, lễ hội Xăng Khan đã được các thầy mo tổ chức. Vì mỗi ông mo được học một thầy khác nhau, mỗi bản, mỗi vùng có điều kiện kinh tế, sinh hoạt khác nhau cho nên cách thức tổ chức lễ hội ở mỗi nơi mỗi khác.
Nhân đây, chính quyền địa phương có lễ Xăng Khan đã công bố chương trình hành động nhằm gìn giữ phát huy giá trị di sản. Tổ chức phổ biến rộng rãi trong nhân dân qua đó ngăn chặn những tệ nạn xã hội liên quan đến nghi lễ. Tổ chức sưu tầm, phục dựng các nghi lễ dân gian khác. Các màn biểu diễn xăng khan, khắc luống, nhảy sạp, trình diễn trang phục dân tộc..., đậm chất văn hóa dân gian bản địa của các đơn vị tham gia biểu diễn cũng thu hút được sự quan tâm của du khách tham gia.
Đêm hội kết thúc bằng màn múa xòe quanh lửa trại như truyền thống trong những năm trước đây.
Dưới đây là một số hình ảnh tại đêm hội sắc xuân lần 5 năm 2018 và công bố di sản cấp quốc gia Lễ Xăng Khan.