Trải nghiệm Tết cung đình tại Hoàng cung Huế
Cập nhật: 08/02/2018
Cứ vào ba ngày Tết Nguyên đán, khu di sản Hoàng cung Huế lại mở cửa miễn phí chào đón nhân dân và khách du xuân. Tại đây, du khách không chỉ thích thú với các nghi lễ của hoàng cung xưa mà còn được trải nghiệm nhiều trò chơi cung đình ngày Tết.

Trò chơi Đầu hồ, một trò chơi dành cho vua quan dưới triều Nguyễn

 Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế), trung bình ba ngày Tết có hơn 30.000 lượt khách đến các điểm tham quan thuộc di sản Huế. Trong đó, phần lớn tập trung ở khu vực Hoàng cung Huế, bởi đây là địa điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cung đình ngày Tết.

Những ngày đón xuân Mậu Tuất này, TTBTDTCĐ Huế cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động mới tại khu vực Hoàng cung Huế và các điểm di sản lân cận để phục vụ nhân dân và du khách. Ngày 23 tháng Chạp (nhằm ngày 8.2), Lễ dựng nêu sẽ được tái hiện tại di tích Thế Miếu (Hoàng Cung Huế) và Điện Long An với nhiều nghi lễ cung đình xưa. Sau khi dựng nêu, báo hiệu cho không khí Tết sắp đến. Sau khi dựng nêu, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (di tích Điện Long An), TTBTDTCĐ Huế sẽ tổ chức chương trình “Hương xưa bánh Tết” với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật. Ngoài chương trình gói bánh Tết xưa còn có không gian nghệ thuật với biểu diễn ca Huế, trình diễn thư pháp, tái hiện các trò chơi dân gian và cung đình. Khán giả được trải nghiệm và thưởng thức bánh, mứt, trà truyền thống của người Huế.

 Tái hiện trò xưa, tích cũ phục vụ khách tham quan

Trong ba ngày Tết Nguyên đán (nhằm ngày 16 đến 18.2), ngoài việc được tham quan miễn phí khu di sản thì du khách còn được trải nghiệm các hoạt động vui xuân ở Hoàng cung Huế; trong đó điểm nhấn là không gian tái hiện các trò chơi cung đình ngày Tết. Không gian này được xây dựng ở khu vực sân Điện Thái Hòa với các trò chơi vốn là thú tiêu khiển trong Hoàng cung triều Nguyễn xưa: Bài vụ, đổ xăm hường, đầu hồ, đối thơ, và trình diễn thư pháp…

Đổ xăm hường là trò chơi gieo con xúc xắc để giành những chiếc thẻ khắc chữ màu đỏ, ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa. Muốn chiến thắng, người chơi phải gieo xúc xắc để giành đủ các thẻ bài với các học vị: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn và Trạng nguyên. Thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng này lại thêm một lần tô thắm tinh thần cầu học và ước vọng khoa bảng của người xưa. Hay chơi bài vụ, với chiếc vụ hình bát giác có 8 con vật. Người chơi đặt cược theo con vật yêu thích, nếu chiếc vụ dừng lại và con vật nào nằm mặt trên thì chiến thắng. Các trò chơi này ban đầu từ cung đình nhà Nguyễn nhưng sau đó đã được người trong triều đưa ra dân gian và trở thành thú tiêu khiển trong Tết xưa của người dân Cố đô.

 Nghi lễ dựng cây nêu vào 23 tháng Chạp hằng năm

Với trò chơi đầu hồ, từng là một trò chơi của các vua quan thời Nguyễn nhưng sau đó bị mai một dần. TTBTDTCĐ Huế đã cho phục dựng lại để bảo tồn nét đẹp văn hóa của cung đình, và để phục vụ du khách tham quan. Trò chơi đầu hồ có xuất xứ từ Trung Hoa, nhưng khi vào cung triều Nguyễn thì có thay đổi để tăng độ khó cho người chơi, nhằm tạo cảm giác vui sướng khi ném trúng đích. Đó là người chơi không ném cây phi tiêu trực tiếp vào bình (như nguyên gốc) mà phải ném gián tiếp qua một dụng cụ khác gọi là con cóc, sao cho mũi tên bật lên cao và bay lọt vào miệng chiếc bình đặt cách đó không xa. Vì đây là trò chơi khó nên người thắng sẽ được thưởng quà, người thua thì bị phạt rượu. Trong số các vua quan triều Nguyễn, vua Tự Đức là người thích chơi và chơi giỏi nhất môn thể thao cung đình này, sau đó là vua Bảo Đại.

Bên cạnh những trò chơi cung đình, tại khu vực Hoàng cung Huế những ngày đầu năm mới cũng có nhiều hoạt động biểu diễn phục vụ du khách như: chương trình Lễ Đổi gác, biểu diễn Đại nhạc, Tiểu nhạc; múa lân– sư- rồng…

Theo TS Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế, việc phục dựng và tái hiện lại các nghi lễ và trò chơi cung đình trong dịp Tết nhằm giữ lại nét đẹp trong bản sắc văn hóa truyền thống của người Việt. Đồng thời, tạo không khí vui xuân đón Tết tại các điểm di sản, phục vụ cho nhân dân địa phương và du khách khi đến Huế.

 UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong đêm Giao thừa đón Tết Mậu Tuất sẽ bắn pháo hoa tầm cao tại TP Huế và huyện miền núi Nam Đông. Riêng tại khu du lịch Laguna sẽ được xem xét bắn pháo hoa tầm thấp phục vụ du khách tại đây. Những ngày đầu tháng Giêng, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ Đu tiên (huyện Phong Điền, ngày mồng 4 và mồng 6 tháng Giêng); Hội vật truyền thống Thủ Lễ (ngày mồng 6); vật làng Sình (ngày mồng 10)…

Thùy An; ảnh: Ngọc Thạnh

baovanhoa.vn