Sáng 27/2 (tức 12 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Ban Tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân tỉnh Lạng Sơn phối hợp UBND huyện Tràng Định tổ chức khai mạc Lễ hội Xuân xứ Lạng năm 2018. Lễ hội được tổ chức vào đúng ngày Lễ hội Bủng Kham (Tràng Định) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định Đỗ Đức Thịnh cho biết, Lễ hội Bủng Kham có từ xa xưa và được tổ chức tại cánh đồng trước thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định. Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị thần Nông, thần Thổ địa và các vị thần tiên (các nàng tiên) đã bảo vệ cuộc sống thường ngày và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Hàng năm, cứ đến ngày 12 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân xã Đại Đồng lại tưng bừng tổ chức lễ hội Bủng Kham. Lễ hội quy tụ 24 thôn về dự hội, dâng lên các vị thần linh những hương hoa, sản vật và tổ chức các trò chơi dân gian. Lễ hội chỉ diễn ra trong một ngày nhưng chứa đựng nét văn hóa truyền thống của dân tộc qua nhiều thế hệ.
Theo truyền thuyết, ngày xưa có bảy nàng tiên trên Thiên đình xuống hạ giới vân du ngắm cảnh. Khi bay qua vùng “Cẩu Pung” (tiếng Tày, Nùng có nghĩa là chín thửa ruộng lớn), thấy nơi đây phong cảnh sơn thủy hữu tình, bèn dừng chân vãn cảnh và tắm mình trong dòng nước xanh mát. Cảnh đẹp quyến rũ làm say lòng người, vì mải vui các nàng tiên quên cả về trời. Khi nghe tiếng Thiên thần gọi, các nàng giật mình biết là quá mải vui mà phạm lệnh Thiên đình nên vội vàng xiêm áo bay về trời, bỏ lại bảy dải lụa xanh tự nhiên biến thành bảy dòng suối cung cấp nước cho cả cánh đồng rộng lớn Thất Khê, gồm: Nặm Ăn, Khuổi Nộc, Pác Chác, Khuổi Nghìn, Khuổi Sao, Khuổi Mịt, Thâm Luông. Trong đó, suối Nặm Ăn là lớn nhất, có nước trong xanh, phong cảnh trữ tình, là nơi các tiên nữ thường xuyên giáng trần. Vào những đêm trăng thanh, gió mát, các nàng tiên thường đến vui chơi vãn cảnh và khắc lên gò đá gần đó bàn “Chẹt Khum” nghĩa là “ô ăn quan”, là một trò chơi dân gian đến nay còn lưu giữ.
Từ sự tích đó, nhân dân thôn Nà Phái và 24 thôn trong xã Đại Đồng đã mở hội, duy trì lễ hội Bủng Kham qua các năm. Lễ hội được tổ chức thành hai phần. Phần lễ được diễn ra vào buổi sáng, do thầy mo và một số người cao niên có uy tín trong thôn thực hiện các bài khấn thần linh. Đại diện mỗi thôn một mâm lễ, gồm: hoa quả, bánh trái, rượu, trà và các sản vật từ nông nghiệp để cúng miếu Thổ công, các vị thần linh, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, làng bản yên vui, nhà nhà hạnh phúc…
Tiếp theo là nghi thức “lồng thồng” (xuống đồng), Ban tổ chức lễ hội chuẩn bị một thửa ruộng ở gần nơi diễn ra lễ hội, sau một hồi trống, chiêng nổi lên, đại diện nhân dân các thôn xuống ruộng và cùng cấy những cây lúa đầu tiên của vụ xuân năm mới…
Phần hội diễn ra từ trưa với các trò chơi dân gian truyền thống, các hoạt động văn nghệ, thể thao mang đậm nét dân tộc, như: chơi ô ăn quan, đánh đu, gieo lộc; thi đẩy gậy, đánh yến, kéo co, tung còn, múa sư tử, thi ẩm thực; biểu diễn múa sư tử, các làn diệu hát then, sli, lượn…
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà cho biết, lễ hội Bủng Kham là lễ hội xuân đặc sắc mang đậm nét văn minh nông nghiệp lúa nước tại huyện Tràng Định, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong vùng, nhằm khơi dậy và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội đã được cấp bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.