Kiên Hải là một trong hai huyện đảo của tỉnh Kiên Giang nằm trên vùng biển Tây Nam bộ và được ví như “Vịnh Hạ Long” của phương Nam.
Bãi biển tuyệt đẹp tại xã Nam Du, huyện Kiên Hải. Ảnh: TITC
Huyện có 4 xã là Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du, với tổng diện tích khoảng 2.460 ha, dân số hơn 20.350 người. Thiên nhiên nơi “Vịnh Hạ Long phương Nam” này còn nguyên vẹn nét hoang sơ vốn có, là tiềm năng, lợi thế để Kiên Hải phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bí thư Huyện ủy Kiên Hải Ong Văn Ngay kỳ vọng: Cùng với đảo ngọc Phú Quốc, tiềm năng, lợi thế du lịch của huyện đảo Kiên Hải đang được đánh thức, khơi dậy và đầu tư phát triển. “Vịnh Hạ Long phương Nam” hứa hẹn trở thành viên ngọc tỏa sáng giữa biển trời Tây Nam của Tổ quốc.
Xã Hòn Tre là trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải, những danh thắng như Bãi Chén, Động Dừa, Đuôi Hà Bá, Đá Dài... cùng nhiều loại hải sản tươi ngon sẽ níu giữ du khách khi đặt chân lên đảo.
Đảo Hòn Sơn (xã Lại Sơn) có 7 đỉnh núi, nổi tiếng nhất là Ma Thiên Lãnh, cao hơn 400m so với mặt nước biển còn nhiều vết tích của người xưa lưu lại và những câu chuyện kỳ bí nơi đỉnh núi này. Ở Lại Sơn, du khách có dịp trải nghiệm, tìm hiểu nghề sản xuất “Nước mắm Hòn” nổi tiếng tại Bãi Nhà; đắm mình trong vẻ đẹp tự nhiên, thanh thoát, nguyên sơ của Bãi Bàng, Bãi Bấc, Bãi Giếng, Bãi Thiên Tuế, Bãi Đá Chài. Lại Sơn còn có Di tích Lịch sử Văn hóa Đình thần Nam Hải Đại tướng quân gắn với lễ hội Nghinh ông vào các ngày 14 - 16/10 âm lịch hàng năm của ngư dân. Đây là nét văn hóa gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của cộng đồng dân cư ở huyện đảo Kiên Hải.
Vượt sóng biển ra xã An Sơn, Bãi Cây Mến mang vẻ đẹp tĩnh lặng với bờ cát trắng mịn, biển trong xanh màu ngọc bích. Bãi Ngự quyến rũ khi hoàng hôn xuống gắn với câu chuyện trên đường sang Xiêm, vua Gia Long đã lưu lại nơi này và cho đào một giếng lấy nước ngọt cung cấp cho quân lính và người dân trên vùng đảo. Cùng với đó, Bãi Sỏi, Bãi Đất Đỏ, Ba Hòn Nồm thiên nhiên hoang sơ, không khí trong lành với những địa điểm câu cá, lặn biển ngắm san hô, tắm biển thú vị và thưởng thức hải sản tươi sống, nhất là các món ngon từ cá xanh xương.
Du khách lặn ngắm san hô trên vùng biển Nam Du, huyện Kiên Hải. Ảnh: Lê Sen
Cuối cùng là xã Nam Du, với các địa danh Hòn Mấu, Bãi Chướng, Bãi Bấc, Bãi Nồm, Hòn Dầu, Hòn Bờ Đập với những cánh rừng nguyên sinh bao phủ, bờ biển cát vàng, nước biển trong xanh đầy sức quyến rũ đối với du khách. Đến với Nam Du, khách du lịch tận hưởng không gian tĩnh lặng, thú vui lặn biển ngắm san hô, tìm hiểu nghề nuôi cá lồng bè trên biển và trải nghiệm cuộc sống của một ngư dân thực thụ nơi quần đảo này với nhiều điều kỳ thú. Nam Du còn hấp dẫn, thu hút du khách với lễ Nghinh ông Nam Hải, làng chài lưới ghẹ Hòn Mấu, làng bè nuôi cá và “thiên đường” của các loại hải sản...
Ông Ong Văn Ngay cho biết thêm: “Năm 2018, huyện Kiên Hải tạo đột phá để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; tranh thủ các nguồn lực tháo gỡ khó khăn về giao thông, điện, nước, các dự án thu hút đầu tư... tạo nhiều chuyển biến tích cực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện phát triển du lịch.”
Hiện nay, Kiên Hải ngày càng thu hút du khách đến tham quan, du lịch. Năm 2017, huyện đảo này đón hơn 194.290 lượt du khách, tăng 71,5% so với năm 2016; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 200 tỷ đồng. Trong 2 tháng đầu năm 2018, huyện đảo đón hơn 26.000 lượt khách, tăng 13,8% so với cùng kỳ; doanh thu khoảng 40 tỷ đồng. Các xã Lại Sơn, An Sơn và Nam Du thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
“Huyện Kiên Hải đang lập đề án phát triển du lịch của địa phương và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch 1/500 khu lấn biển Hòn Ngang (Nam Du). Bên cạnh đó, tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; hoàn thành đề án phát triển du lịch và các thủ tục công bố những khu, điểm du lịch của huyện. Trên cơ sở đó, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn để thu hút khách du lịch”, Bí thư Huyện ủy Kiên Hải cho hay.
Theo đó, Kiên Hải khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại các khu du lịch như: Bãi Cây Mến, Bãi Đất Đỏ (An Sơn), Hòn Mấu (Nam Du)...; đầu tư phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng, tắm biển, ngắm rạn san hô, mô hình du lịch cộng đồng; đầu tư nuôi cá lồng bè ven biển, quanh các đảo, tạo cảnh quan để phát triển du lịch sinh thái biển, đảo; phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững gắn với dịch vụ du lịch. Trước mắt, Kiên Hải mời gọi nhà đầu tư vào các khu du lịch Bãi Bộ, Bãi Cây Mến Lớn, Ba Hòn Nồm và khu lấn biển Nam Du phát triển các loại hình du lịch sinh thái nhà vườn, sinh thái biển đảo, các dịch vụ vui chơi giải trí, làng nghề, lễ hội; lấn biển tạo quỹ đất phát triển đô thị, thương mại, du lịch... với tổng vốn đầu tư hơn 230 tỷ đồng.
Cùng với đó, Kiên Hải thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các xã đảo Lại Sơn, An Sơn, Nam Du; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án trọng điểm như: Hồ chứa nước Bãi Nhà (Lại Sơn), hồ chứa nước Bãi Cây Mến (An Sơn), dự án lấn biển mở rộng khu dân cư Hòn Tre, khu du lịch Bãi Chén (Hòn Tre), Trung tâm thương mại xã An Sơn, chợ xã Lại Sơn...; Đồng thời tăng cường công tác quản lý về môi trường, tài nguyên khoáng sản, nhất là quản lý nguồn nước ngọt tại các đảo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường cho nhân dân, nhất là trên các tuyến đường quanh đảo, xử lý rác thải tại các khu dân cư, khu du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo, qua đó tạo hình ảnh du lịch “Vịnh Hạ Long phương Nam” thân thiện, mến khách trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Lê Huy Hải