Tuyến du lịch trung tâm thành phố Thái Nguyên
Cập nhật: 07/01/2007
Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Nằm trải dọc bên bờ sông Cầu, thành phố Thái Nguyên có diện tích 177,65 km². Dân số quy đổi là 290.400 người, mật độ dân số 1.281 người/km². Với 25 phường xã và 95 điểm di tích lịch sử văn hoá.
Bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam
Toạ lạc giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, trên một vùng đất rộng 39.000m². Tại đây thời Pháp thuộc năm xưa từng là khuôn viên của toà sứ, toà phó sứ tỉnh Thái Nguyên.
Khởi công xây dựng ngày 19/12/1960, bảo tàng văn hoá các dân tộc Việt Nam (lúc đó gọi là bảo tàng Việt Bắc) được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 1962. Là một công trình kiến trúc lớn, đẹp nhất của tỉnh Thái Nguyên, và có lẽ cũng là một trong những bảo tàng có kiến trúc đẹp nhất cả nước, kể từ khi hoàn thành đến nay bảo tàng luôn là niềm tự hào của mỗi người dân Thái Nguyên. Với hơn 3000m2 sử dụng cho trưng bày, kho bảo quản và các hoạt động khác. Bảo tàng lưu giữ và trưng bày hơn 10.000 hiện vật, tài liệu thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc Việt Nam. Bảo tàng được xây dựng thành 5 khối kiến trúc là 5 phòng trưng bày lớn:
- Phòng Việt Mường: gồm dân tộc Việt, Mường, Thổ, Chứt.
- Phòng Tày Thái : Gồm dân tộc Tày, Nùng, Thái, Lao, Lự, Sán Chay, Bố Y.
- Phòng Mông Dao và nhóm Nam á khác: Gồm H`Mông, Dao, Pà Thẻn, La Chí, La Ha, Cờ Lao, Pu Péo.
- Phòng Nôm, Khơ Me: Gồm dân tộc Ba Na, Khơ Mú, Sơ Đăng, Cờ Ho, Hrê, Cờ Tu, Mạ…
- Phòng Hán, Hoa: Gồm các dân tộc Hoa Ngái, Sán Dìu, Hà Nhì, Lô Lô, Gia Lai, Ê Đê…
Cả 5 phòng trưng bày của bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt nam có chung giải pháp mỹ thuật trưng bày khá hoàn hảo, khoa học, vừa tập trung được những giải pháp trưng bày hiện đại theo phong cách Châu Âu, vừa phát huy được cách tạo dáng đẹp, cách sắp xếp gần gũi với tư duy và phong cách của người Việt Nam. Xem toàn bộ hệ thống trưng bày của bảo tàng, ta dễ dàng cảm nhận được những nét đại cương về tộc người, về văn hoá vật chất, văn hoa tinh thần và đời sống xã hội của 54 dân tộc, trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Đền thờ Đội Cấn
Đền thờ nằm trên đồi lịch sử Đội Cấn tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, thuộc phố Phủ Liễn, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên.
Đội Cấn tên thật là Trịnh Văn Đạt (1881-1919). Ông sinh tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi ra ứng mộ lính tập ở Vĩnh Yên, từ năm 1910 Đội Cấn đóng ở Thái Nguyên. Được Lương Ngọc Quyến giác ngộ làm quân sư, kết bạn tâm phúc chung trí lớn giết giặc cứu nước. Đêm 30 rạng sáng ngày 31/8/1917 Đội Cấn lãnh đạo binh lính Thái Nguyên khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp. Nghĩa quân làm chủ tỉnh lỵ Thái Nguyên với khẩu hiệu "Nam binh phục quốc" chủ tướng Trịnh Văn Cấn cùng quân sỹ dương cao cờ ngũ tinh, nền vàng sao đỏ, phát hịch tuyên bố "Thái Nguyên độc lập" và đặt quốc hiệu là Đại Hùng, công bố cương lĩnh đánh đuổi giặc Pháp, giành độc lập tự do cho đất nước.
Chùa Phủ Liễn
Tên chữ là Phủ Liễn Tự, toạ lạc tại trung tâm phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên. Với diện tích 3500m², nằm trên một địa thế đẹp, cao ráo, xung quanh là cánh đồng và hồ nước nhỏ. Được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 và được trùng tu nhiều lần. Chùa mang lối kiến trúc cổ, có Tam Bảo, điện mẫu, nhà tổ, tháp cổ và phía trước có bức tượng Quan Âm rất linh thiêng. Hàng tháng vào ngày rằm và mồng một các phật tử về đây tu học. Lễ hội chùa được tổ chức hàng năm vào 12/1 âm lịch. Sau phần lễ có các trò chơi dân gian: kéo co, chọi gà, cờ tướng...
Sở Thương mại và Du lịch Thái Nguyên
|
|
|