Các hoạt động văn hóa - thể thao trong chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007”.
Cập nhật: 02/01/2007
Sáng 26/12/2006, UBND tỉnh Phú Thọ phối hợp với Ban Tư tưởng Văn hóa T.Ư, Bộ Văn hóa - Thông tin đã tổ chức họp báo giới thiệu các hoạt động văn hóa thể thao trong chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007”.
Cùng với hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương, như mọi năm thì lần đầu tiên chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm 2007" được kết hợp và được coi là cơ hội để quảng bá du lịch.
Vùng đất của những lễ hội
Điểm nhấn của chương trình "Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam 2007" sẽ được mở đầu bằng lễ hội "Những tháng lễ hội về miền đất Tổ Hùng Vương, bắt đầu bằng Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ (ngày 6-7 tháng Giêng năm Đinh Hợi), kết thúc bằng Lễ hội Đền Hùng (ngày 10 tháng 3 năm Đinh Hợi).
Trong "Những tháng lễ hội về miền đất Tổ Hùng Vương", ở các huyện, thành thị sẽ diễn ra các lễ hội truyền thống tiêu biểu như: Hội phết Hiền Quan (Tam Nông), Hội Trò Trám (xã Tứ Xã, Lâm Thao), Lễ hội rước voi Đào Xá (Thanh Thủy), Lễ hội đình làng Thổ Khối, đình Cả xã Phương Xá (Cẩm Khê), Hội làng Hùng Lô (Phù Ninh), Lễ hội dân tộc Cao Lan (xã Ngọc Quan, Đoan Hùng)...
Như vậy, lễ hội năm 2007 sẽ không chỉ là những điểm đến quen thuộc mà được mở rộng tới các xã với những lễ hội hấp dẫn và mới lạ.
Trước ngày diễn ra khai mạc, nhiều hoạt động như: Hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống Việt Nam; Triển lãm mỹ thuật dân gian truyền thống vùng đất Tổ; Hội báo xuân đất Tổ và các loại hình dân ca truyền thống như: hát xoan, hát ghẹo, ca trù, chèo cổ... sẽ được tổ chức; trên địa bàn các xã, phường có các trò chơi dân gian: Rước kiệu, múa lân, sư tử, thi giã bánh dày...
Bà Nguyễn Kim Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: "Điểm mới của Lễ hội Đền Hùng năm 2007 là gắn với các chương trình lễ hội về miền cội nguồn. Tất cả các lễ hội mang bản sắc độc đáo riêng của Phú Thọ sẽ không xuất hiện nhỏ lẻ như trước đây mà được gắn kết, xâu chuỗi lại có hệ thống và có chủ đề riêng để khách có thể thưởng thức và tận hưởng đầy đủ.
Chương trình được kéo dài tới hai tháng. Không gian lễ hội là không gian mở. Phần lễ và phần hội không chỉ diễn ra ở thành phố trung tâm Việt Trì mà được "phân bổ" xuống tận huyện, xã với nhiều trò chơi dân gian truyền thống mang bản sắc riêng của từng địa phương. Vì thế, không chỉ khách tham quan được thưởng thức mà chính người dân vừa là chủ nhân vừa là người trực tiếp tham gia vào lễ hội.
Gắn lễ hội với quảng bá du lịch
Cùng với việc bảo vệ, gìn giữ các lễ hội truyền thống của mình, mục tiêu của chương trình về nguồn lần này được tỉnh Phú Thọ nhắm đến là gắn các hoạt động lễ hội với quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch.
Việc quảng bá du lịch sẽ gắn với nhân dân, du lịch sinh thái, du lịch nhà vườn.
Bên cạnh đó sẽ phối kết hợp với các tỉnh lân cận để hình thành các tour du lịch, đặc biệt nhấn mạnh đến lợi thế của Phú Thọ là du lịch tâm linh.
Từ trước đến nay, khách tham quan đến với Phú Thọ là để tham gia Lễ hội Đền Hùng với ý nghĩa là hướng về cội nguồn, chứ chưa thực chất là đến để du lịch, thư giãn nghỉ ngơi. Phú Thọ chưa có những sản phẩm truyền thống mang đặc trưng của vùng đất Tổ, cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch vẫn còn thiếu...
Năm 2005, Phú Thọ có khoảng 10 triệu lượt người đến tới lễ hội, toàn bộ 1.800 phòng nghỉ đều chật kín, hoạt động hết công suất. Tình trạng tắc nghẽn thường xuyên diễn ra và kéo dài hàng giờ...
Bà Nguyễn Kim Hải khẳng định: "Năm nay, việc phân luồng giao thông được chú trọng hơn, sẽ có nhiều cổng ra vào thành phố, 7 xã vùng ven đều được tận dụng để phân luồng, đồng thời làm bến bãi cho lượng xe của các tỉnh, thành đổ về".
Trong quy hoạch chung phát triển thành phố Việt Trì đến năm 2020, đã xác định Việt Trì là thành phố du lịch, lịch sử, văn hóa của cả nước, thành phố lễ hội về với cội nguồn.
Báo Nhân Dân
|
|
|