Sông Hương từng là nguồn cảm xúc của du khách khi đi thuyền dọc theo dòng sông để nhìn ngắm phong cảnh và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống. Từ xa xưa, dòng Hương giang êm đềm đã tạo nên những cảm hứng cho các tác giả, nhất là thi sĩ và nhạc sĩ.
Sông Hương (Hương giang) là con sông chảy qua thành phố Huế và các huyện, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Dòng chính của Tả Trạch dài khoảng 67 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng Tây Bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía Bắc khu vực lăng Minh Mạng).
Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng Bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.
Sông Hương rất đẹp khi chiêm ngưỡng nó từ nguồn và khi nó chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới.
Con sông chảy chậm qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh.
Các công trình kiến trúc hai bên bờ sông gồm thành quách, thị tứ, vườn tược, chùa chiền, tháp và đền đài... ánh phản chiếu của chúng trên dòng nước khiến con sông mang theo nhiều chất thơ và tính nhạc.
Nhiều người luôn gắn liền sự thanh bình, thanh lịch và cảnh vật đẹp đẽ của Huế với dòng Sông Hương. Hằng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho thành phố Huế và các vùng lân cận.
Nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biểu với đặc sản là quả Thanh Trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp... sẽ tốt tươi hơn. Dòng sông như một dải lụa đào trải dài trên vùng đất Huế./.