Tuần du lịch Ninh Bình 2018 chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc-Tràng An” diễn ra từ ngày 9 đến16/6 tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động (xã Ninh Hải, Hoa Lư) có nhiều hoạt động trong sự kiện này, trong đó có chương trình biểu diễn múa rối nước; hát chèo; hát xẩm; được diễn ra suốt Tuần du lịch.
Ảnh minh họa (nguồn: internet)
Chúng tôi có mặt tại trung tâm Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khi Thủy Đình của nghệ thuật múa rối nước chuẩn bị mở màn. Mặc cho thời tiết nắng nóng vẫn có đông du khách đang đứng đợi. Nhưng đông hơn cả vẫn là các cháu nhỏ và du khách người nước ngoài. Chương trình biểu diễn gồm nhiều diễn trò, tích trò với sự xuất hiện của chú Tễu thân hình tròn trĩnh, mặc áo nẹp khuy không cài, vẻ mặt hóm hỉnh làm nhiệm vụ dẫn dắt, mở đầu câu chuyện.
Lãnh đạo đoàn rối nước-Nhà hát Chèo Ninh Bình cho biết: Đoàn rối nước Ninh Bình mới được xây dựng, khôi phục lại và chưa có nhiều hoạt động phục vụ công chúng. Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống độc đáo, ra đời từ nền văn hóa lúa nước.
Từ một nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã trở thành một nghệ thuật truyền thống, một sáng tạo đặc biệt của người Việt. Con rối làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng, sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật.
Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước, có tính tượng trưng cao. Tích trò trong rối nước gồm: Chú Tễu, mười hai sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh, Múa rồng, Em bé chăn trâu, Cày cấy, Câu ếch, Bắt vịt, Đánh cá, Vinh quy bái tổ, Múa sư tử, Múa phượng, Lê Lợi trả gươm, Nhi đồng vui chơi, Đua thuyền, Múa lân, Múa tiên, Tứ linh...
Đặc biệt, sự thành công hay thất bại của con rối nước phụ thuộc phần nhiều vào kỹ xảo điều khiển con rối của người nghệ sĩ. Sau bức màn che, các nghệ sĩ trình diễn múa rối nước phải đứng suốt trong làn nước lạnh ngang hông để điều khiển các con rối bằng hệ thống dây, sào được bố trí bên ngoài và dưới nước.
Ngoài ra, một yếu tố không thể thiếu trong chương trình biểu diễn múa rối nước là âm thanh. Biểu diễn múa rối nước thường ở sân khấu ngoài trời giữa ao hồ, nên rối nước cần âm thanh mạnh để giữ tiết tấu và khuấy động không khí buổi diễn. Âm nhạc rối nước mang tính hoạt náo của hội hè, có tác dụng mạnh đối với cả người diễn lẫn người xem...
Nghệ thuật múa rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường là: Dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che; sân khấu biểu dễn múa rối nước y như ban thờ lớn ở đình, chùa của người Việt, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã; trên “sân khấu” là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây...
Du khách Jon Smil đến từ Vương quốc Anh chia sẻ: Thật tuyệt vời! ở đất nước chúng tôi không có loại hình nghệ thuật này. Trên mặt nước phẳng lặng, bỗng có những chú rối tinh nghịch, sặc sỡ nhảy múa làm náo động cả một vùng. Tam Cốc-Bích Động là một địa danh đẹp và còn gì hơn khi đến đây lại được thưởng thức loại hình nghệ thuật độc đáo của các bạn”./.