Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4014/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Lễ hội Cổ Loa Xuân Đinh Dậu 2017.
Đầu tư hơn 60,7 tỷ đồng
Kinh phí thực hiện kế hoạch giai đoạn 2018-2020 dự tính khoảng 60,710 tỷ đồng (trong đó nguồn ngân sách thành phố là 60,410 tỷ đồng, nguồn thu phí, lệ phí là 300 triệu đồng).
Phạm vi kế hoạch được xác định thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nô của huyện Đông Anh với quy mô khoảng 860,4ha.
Theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg (ngày 27/9/2012) của Thủ tướng Chính phủ, Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.
Đây là địa điểm khảo cổ học có giá trị nổi bật, gắn với các giai đoạn quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam (văn hóa Sơn Vi, văn hóa Phùng Nguyên, văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun và văn hóa Đông Sơn) với nhiề di chỉ khảo cổ học tiêu biểu: Đồng Vông, Đình Tràng, Thành Nội, Thành Ngoại, Thành Trung…
Đặc biệt, kết quả khảo cổ học đã khẳng định thành Cổ Loa (thuộc Khu di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa) có diện tích gần 46ha, gồm ba vòng thành (Thành Nội, Thành Trung, Thành Ngoại) khép kín với tổng chiều dài là 15,820km là tòa thành đất sớm nhất, có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á. Thành được đắp dưới thời vua An Dương Vương (thế kỷ thứ 3-2 trước Công nguyên).
Theo tiến sỹ Trịnh Hoàng Hiệp (Viện Khảo cổ học), Cổ Loa là kinh đô cổ nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là giá trị lớn nhất của di tích này. Thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước, chống giặc ngoại xâm. Đây là tòa thành vừa bảo vệ kinh đô, nhà vua và hoàng gia vừa là căn cứ phòng thủ vững chắc.
Di tích bị xâm hại
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, hiện nay, khu di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng. Người dân canh tác nông nghiệp cả trên tường thành, nuôi cá dưới hào. Vòng Thành Nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Nhiều đoạn hào trong Thành Nội cũng bị lấp để xây nhà và làm đường.
Bên cạnh đó, hai vòng Thành Trung và Thành Ngoại dù vẫn còn nguyên đường nét nhưng không còn giữ được độ cao như trước (chiều cao gốc của thành từ 7-8m, có nơi lên tới 10m nhưng giờ đây chỉ còn lại khoảng 3m, có nơi chưa đầy 1m), nhiều đoạn hào được sử dụng làm diện tích trồng lúa.
Bởi vậy, Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa được xây dựng nhằm bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành; xác định những nguy cơ làm ảnh hưởng tới các giá trị của khu di tích và đề xuất các biện pháp giải quyết triệt để; tái hiện, kết nối các câu chuyện lịch sử nhằm thu hút khách tham quan…
Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội là cơ quan đầu mối điều phối chung và giám sát việc triển khai các hoạt động của kế hoạch đúng quy định hiện hành.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích thành Cổ Loa (tỷ lệ 1/2000). Theo quy hoạch này, khu di tích Cổ Loa được phân thành bốn vùng, bao gồm: vùng lõi (31,2ha), vùng trung (225,3 ha), vùng ngoại (247,3ha) và vùng biên (356,6ha). Quy mô dân số 1,55 vạn người.
Định hướng quy hoạch là cân bằng ba hệ giá trị của thành Cổ Loa gồm lịch sử, nhân văn, sinh thái; đồng thời bảo tồn, duy trì tính nguyên bản và toàn vẹn của hệ thống di sản trên mặt đất, tiềm ẩn dưới lòng đất cùng toàn bộ môi trường lịch sử, môi trường xã hội nông thôn, nông nghiệp của di tích.
Mặt khác, quy hoạch nhằm ổn định, nâng cao chất lượng sống của cư dân Cổ Loa, đây được xem là là công cụ cốt lõi để thực hiện thành công mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu di tích./.