Sau hơn 100 năm bị chôn vùi sâu dưới lòng đất, những hiện vật vô cùng có giá trị, những nền móng kiến trúc cổ tại di tích Hải Vân Quan - “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan” đã được các nhà khảo cổ học phát lộ. Cánh cổng của con đường thiên lý Bắc - Nam đã được tìm thấy…
Các nhà khảo cổ học giới thiệu những dấu tích kiến trúc cổ được phát lộ trên đỉnh Hải Vân Quan
Xuất lộ đường thiên lý Bắc – Nam
Ngày 25/8, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho biết, các nhà khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Sở VH-TT TP Đà Nẵng và Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa có báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di tích Hải Vân Quan.
Với diện tích gần 900m² khai đào tại 4 mặt lũy thành và trong lòng khu di tích, kết quả khảo cổ đã làm xuất lộ hoàn toàn các dấu tích nền móng kiến trúc còn lại của di tích Hải Vân Quan thời Nguyễn, như: bậc cấp, lối đi của hai cổng, hệ thống tường thành, pháo nhãn… cùng dấu vết nền móng kiến trúc nhà Trú Sở và Vũ Khố. Ngoài ra, trong quá trình khai quật cũng đã phát lộ nhiều dấu tích kiến trúc được xây dựng trong giai đoạn từ 1946 đến 1975, khi quân đội Pháp và Mỹ đồn trú tại đây.
Đối với dấu tích kiến trúc Hải Vân Quan thời Nguyễn, các nhà khảo cổ học đã phát lộ Cổng Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan (THĐNHQ) và dấu vết bậc cấp, đường đi. Công trình này đã bị vùi lấp mất phần chân móng nên không xác định rõ quy mô, kết cấu bậc cấp và lối đi vào cổng. Tuy nhiên, với kết quả khai quật, ở độ sâu 1,4m, mọi dấu tích đã được xuất lộ. Qua đó, xác định được chân móng của cổng cũng được bó đá Thanh hình khối hộp chữ nhật giống với cổng Hải Vân Quan. Cổng THĐNHQ rộng 7,9m, cao 6,52m, dày 4,79m; vòm cổng rộng 3,47m, cao 4,55m. Nền cổng lát đá sa thạch, mép ngoài bó vỉa bằng hàng gạch vồ dựng nghiêng, tiếp đến là lớp đá dăm nhỏ đầm chắc với vôi hàu. Trước cổng có khoảng sân rộng 7,9m, dài 7,1m được đầm chặt bằng đất cát và đá núi loại nhỏ, mặt sân nề bằng vữa hàu truyền thống (dày 0,2m). Nền sân này đã trải quan nhiều giai đoạn cải tạo, bồi đắp.
Cụm di tích Hải Vân Quan - Thiên hạ đệ nhất hùng quan
Phía trước nền sân là lối đi của đường thiên lý từ kinh đô Huế vào cổng THĐNHQ, rộng 4,8m, chạy men theo hướng Đông Bắc lên sườn núi phía Tây của ngọn Hải Vân Sơn.
Cách cổng THĐNHQ khoảng 300m về phía Đông Bắc, trong quá trình khảo sát, các nhà khảo cổ học còn phát hiện dấu tích đường thiên lý từ kinh đô Huế về Hải Vân Quan qua cổng THĐNHQ. Đường thiên lý rộng từ 2,6 - 2,8m, men theo sườn núi. Tại đây còn có dấu vết của một trạm gác với bó móng được xếp bằng đá núi. Theo các nhà khảo cổ học, khu vực này cần tiếp tục khảo sát và nghiên cứu kỹ hơn, chắc chắn sẽ có thêm nhiều thông tin thú vị về con đường thiên lý xưa.
Phía Tây Nam cổng THĐNHQ, kết quả khai quật cũng đã làm rõ dấu tích bậc cấp đi từ cổng Hải Vân Quan lên, khởi thủy được xếp bằng đá núi, dài 7,4m, rộng 5,5m, gồm 10 bậc, mỗi bậc rộng 0,7m.
Cổng Hải Vân Quan hiện nay vẫn còn giữ nguyên kết cấu với kích thước cao 6,45m, rộng 7,9m, lòng cổng rộng 3,48m, được xây cuốn vòm bằng gạch vồ, chân bó đá Thanh, nền lát đá sa thạch. Tuy nhiên, theo sử liệu và những ghi chép của ông H.Cosserat cũng như hình ảnh đúc trên Cửu Đỉnh, phía Nam cổng là hệ thống bậc cấp dẫn xuống đường thiên lý.
Trong giai đoạn quân đội Pháp, Mỹ đồn trú nơi đây, ngoài việc xây thêm kiến trúc bên trên nóc cổng, hệ thống bậc cấp trước cổng cũng đã bị xẻ đôi và đào phá để tạo lối đi mới lên ngọn Hải Vân Sơn.
Qua kết quả khai quật đã làm xuất lộ dấu tích bậc cấp cùng đường thiên lý phía Nam cổng Hải Vân Quan. Bậc cấp được xếp bằng đá núi, rộng phủ bì 8,6m, hai bên bó vỉa bằng đá núi rộng 0,65m. Bậc cấp dốc thẳng xuống phía dưới, nối với đường thiên lý. Đường thiên lý chạy vòng về bên trái Hải Vân Quan theo hướng Đông Nam. Dấu vết còn lại cho thấy chiều rộng của con đường khoảng 6,8m, hai bên được bó vỉa bằng đá núi.
Từ những dấu tích xuất lộ, các nhà khảo cổ học cho rằng, có thể xác định đường thiên lý từ Hải Vân Quan đi về phía Nam men theo hướng Đông Nam, chạy theo sườn núi phía Nam của ngọn Hải Vân Sơn xuống vịnh Đà Nẵng (khu vực Làng Vân hiện nay).
Tìm thấy nhiều dấu tích quan trọng
Ngoài ra, dấu tích đường đi từ Hải Vân Quan lên THĐNHQ cũng được xác định, đường đi bám theo chân tường thành phía Bắc nối từ Hải Vân Quan lên THĐNHQ, rộng 5m, nền đường lát một lớp đá núi.
Ngoài ra, các nhà khảo cổ học còn phát hiện dấu tích kiến trúc cổng phụ và hệ thống tường thành. Cổng phụ là lối đi xuống khu vực trước đây xây dựng khu nhà ở cho binh lính đồn trú tại Hải Vân Quan. Cổng phụ được xây dựng trên đoạn tường nối Hải Vân Quan với THĐNHQ, cách mặt tường trong của Hải Vân Quan 3,9m. Dấu vết xuất lộ của cổng chỉ còn lại nền móng dài 3,08m, rộng 2,2m, lòng rộng 1,8m, trụ và nền đều xây bằng gạch vồ. Sau khi cổng bị đổ sập, quân đội Mỹ đã tận dụng xây dựng vọng gác bằng bê tông chồng đè lên trên trụ cổng.
Đối với hệ thống tường thành, các nhà khảo cổ học xác định vai trò là một lũy thành phòng thủ, kiểm soát an ninh qua lại trên đường thiên lý Bắc - Nam cũng như các tàu thuyền trên biển, từ cổng Hải Vân Quan đến THĐNHQ được xây dựng một hệ thống tường thành khép kín, bao bọc toàn bộ khu di tích.
Kết quả nghiên cứu cho thấy quy mô của tường thành xây dựng thời Nguyễn có phạm vi phân bố rộng hơn hệ thống tường thành hiện nay. Tường thành được xây theo kết cấu “thượng thu hạ thách”, chân móng rộng 2,2m, thân tường rộng 1,9m, cao 2,3 - 2,4m được xếp bằng đá núi, khít mạch.
Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy dấu tích pháo nhãn, kiến trúc nhà Trú Sở và kiến trúc nhà Vũ Khố cùng một số các loại hình di vật, bao gồm vật liệu gạch, ngói, mảnh vỡ các loại hình đồ sành, sứ, gốm men, đồ đất nung và mảnh bia đá thời Nguyễn. Bên cạnh đó là các đồ sinh hoạt được làm bằng sắt, inox và thủy tinh của binh lính quân đội Pháp, Mỹ.
Nguyễn Khôi