Chiều 25/10, triển lãm "Tranh lụa và điêu khắc nhỏ” đã khai mạc tại Hà Nội, với mong muốn chuyển tải thông điệp đến người xem những sáng tạo tinh tế, những ý tưởng vượt ra ngoài khuôn khổ và chất liệu.
Triển lãm do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Trung tâm Nghệ thuật Vincom (VCCA) phối hợp tổ chức.
Bộ tranh lụa "Ngài hạnh phúc" của họa sĩ Trần Hoàng Sơn.
Triển lãm trưng bày 203 tác phẩm tranh lụa và điêu khắc nhỏ của 45 nghệ sĩ tiêu biểu, thuộc thế hệ sinh từ năm 1970 trở về sau, có những đóng góp tích cực, thành công trên lĩnh vực sáng tác tranh lụa và điêu khắc nhỏ.
Họa sĩ Vũ Đình Tuấn - thành viên Hội đồng giám tuyển triển lãm chia sẻ, đã có một thời gian khá dài, tranh lụa Việt Nam không có bước tiến nào đáng kể. Sự thăng trầm của lụa là câu chuyện rất bình thường của lịch sử nghệ thuật nhưng nếu để mất hẳn nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là điều bất thường.
Gần đây, một thế hệ họa sĩ có trong mình khát vọng khai mở những khả năng tận cùng của chất liệu, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, mang lại sức sống mới cho tranh lụa. Triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm, các sự kiện mỹ thuật tổ chức trong và ngoài nước đã xuất hiện nhiều tác giả đem đến sinh khí mới, hy vọng mới cho lụa.
Triển lãm "Tranh lụa và điêu khắc nhỏ" 2018 giới thiệu 110 tác phẩm tranh lụa của 24 họa sĩ. Đây là những tác giả tiêu biểu được lựa chọn trên phạm vi cả nước, trong độ tuổi sinh từ năm 1970 trở về sau, có đóng góp tích cực và thành công trên lĩnh vực sáng tác tranh lụa chuyên nghiệp trong thời gian vừa qua, được đồng nghiệp và công chúng ghi nhận.
"Qua chất lượng chuyên môn của triển lãm lần này, chắc chắn nghệ thuật tranh lụa Việt Nam sẽ có nhiều năng lượng để phát triển, bứt phá mạnh mẽ trong nhiều năm tới", họa sĩ Vũ Đình Tuấn nói.
Tác phẩm điêu khắc nhỏ được trưng bày tại triển lãm.
Triển lãm còn giới thiệu 93 tác phẩm điêu khắc kích thước nhỏ của 21 nghệ sĩ, với chất liệu đa dạng, như kim loại, đá, gỗ, composite… phản ánh phần nào diện mạo của điêu khắc Việt Nam ngày nay với sự “dịch chuyển” trong sáng tác của các nghệ sĩ và “sự dịch chuyển” trong tư duy phát triển nghệ thuật của những người quản lý.
Nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền chia sẻ, điêu khắc Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây đã và đang có những đổi khác rõ rệt. Các tác giả có sự tiếp cận, cởi mở, giao lưu tư tưởng với thế giới bằng tác phẩm thì nghệ thuật trở nên thoáng rộng hơn. Không quá phụ thuộc vào hình tượng con người, sáng tác của họ không những thể hiện cái “tôi” mạnh mẽ, mà còn mang hơi thở của đời sống xã hội thực tại.
Tác phẩm "Thanh niên não cá" của hoạ sĩ Phạm Thái Bình.
Phát biểu tại buổi họp báo trước giờ khai mạc, họa sĩ Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Trưởng Ban tổ chức triển lãm “Tranh lụa và điêu khắc nhỏ” cho biết: “Điêu khắc nhỏ vẫn làm nên tác giả lớn. Chúng tôi muốn gợi mở đến một góc lẩn khuất trong tư duy sáng tạo, vẻ đẹp tinh tế khối chất liệu của bề mặt tác phẩm điêu khắc kích thước nhỏ. Giữa đời sống nghệ thuật đa chiều, đa diện thời kỳ hậu đổi mới, chúng tôi giới thiệu triển lãm này mong muốn chuyển tải thông điệp đến người xem những sáng tạo tinh tế, những ý tưởng vượt ra ngoài khuôn khổ và chất liệu”.
Triển lãm được trưng bày từ nay đến hết ngày 17/11 tại Trung tâm Vincom (VCCA), tầng B1-R3 Trung tâm Thương mại Vincom Mega Mall Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
T. Minh