Đà Nẵng muốn thu hút lượng lớn du khách sang trọng
Cập nhật: 03/12/2018
TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tập trung phát triển du lịch tàu biển. Đến năm 2020 sẽ đón hơn 9 triệu khách, trong đó có hơn 3 triệu khách quốc tế (185.000 lượt khách tàu biển).

Mỗi chuyến tàu du lịch 5 sao mang theo hàng ngàn lượt du khách đến Đà Nẵng. - Ảnh: VGP

Bà Trương Thị Thu Hương, Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Việt Nam đón trung bình khoảng dưới 300.000 lượt khách du lịch tàu biển/năm với gần 500 chuyến tàu cập các cảng, chiếm từ 2,5 –3 % tổng lượng khách quốc tế; đứng thứ 4 về số lượng tàu cập cảng trong khu vực (năm 2018 đón 493 chuyến). Các cảng thường xuyên đón khách tàu biển là cảng Hòn Gai, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn, Vũng Tàu...

Theo đánh giá của các doanh nghiệp du lịch thì tại Việt Nam, nếu hỏi điểm đến nào hấp dẫn nhất đối với loại hình du lịch tàu biển, thì có lẽ câu trả lời chính là Đà Nẵng. Tự nhiên ban cho Đà Nẵng đường bờ biển dài với những bãi biển đẹp, đó là điều kiện không thể thuận lợi hơn để Đà Nẵng đón những tàu du lịch sang trọng trên thế giới cập cảng.

Nằm trên con đường di sản miền Trung, kết nối những địa danh di sản nổi tiếng; Đà Nẵng còn là một thành phố hiện đại, hội tụ đủ mọi loại hình du lịch hấp dẫn, từ du lịch văn hóa đến vui chơi giải trí, từ du lịch đường sông, đường bộ, lên núi hay xuống biển… với hạ tầng phát triển, là địa điểm thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hóa, lễ hội quốc tế  như pháo hoa; cuộc đua thuyền buồm, thể thao bãi biển…

Lợi thế văn hóa, tự nhiên, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch chất lượng cao, môi trường sống trong lành, cư dân thân thiện chính là lợi thế đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến lý tưởng cho các đoàn du thuyền sang trọng từ khắp nơi trên thế giới.

Tìm giải pháp thu hút dòng khách khổng lồ và sang trọng

Ông Dương Phú Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn Sunworld Holdings nhận định, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phát triển cảng Tiên Sa thành cảng chuyên phục vụ du lịch là bước chuẩn bị tuyệt vời cho kế hoạch phát triển du lịch tàu biển của thành phố.

Tuy nhiên, cơ hội cũng là thách thức, bởi mỗi du thuyền cập cảng Tiên Sa thường đưa về cho thành phố từ 2.000 đến vài ngàn du khách. Do đó để đáp ứng được cùng lúc nhu cầu của dòng khách khổng lồ và sang trọng ấy là một bài toán.

“Để nắm bắt thời cơ phát triển nhảy vọt, chủ động đón dòng khách du lịch sang trọng đang hướng về Đà Nẵng, thời gian tới Thành phố vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh việc kiến tạo và hoàn thiện các hệ sinh thái du lịch – giải trí đẳng cấp tiêu chuẩn quốc tế; kết nối các thiên đường du lịch biển Việt Nam”, ông Dương Phú Nam nhận định.

Trong 9 tháng năm 2018, Đà Nẵng đón 75 chuyến tàu cập cảng Tiên Sa, đưa gần 94.000 lượt khách đến tham quan Đà Nẵng, Quảng Nam (tăng 25 chuyến tàu và 62% lượng khách so với cùng kỳ 2017). Dự kiến trong năm 2019, số chuyến tàu sẽ đạt 120 chuyến với khoảng 165.000 lượt khách. Đến năm 2020 sẽ đón khoảng 185.000 lượt khách tàu biển.

 

Ông Trần Lực, Phó giám đốc SaigonTourists Đà Nẵng thì cho rằng: Để tăng tính cạnh tranh với các điểm đến khác, Thành phố cần đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tàu biển; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc xây dựng cảng chuyên dùng cho các tàu du lịch; đa dạng hóa các sản phẩm tour; nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ dành cho khách tàu biển; thường xuyên cải thiện chính sách, thủ tục nhập cảnh thông thoáng hơn cùng với các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn đối với các đoàn khách tàu biển lớn; đặc biệt là quản lý môi trường biển, bảo vệ và tôn tạo các khu du lịch sinh thái…

Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, hạn chế lớn nhất là Đà Nẵng hiện vẫn chưa có cảng biển chuyên dụng để phục vụ đón khách du lịch tàu biển. Hiện nay các tàu du lịch phải cập và neo đậu chung với cảng hàng hoá. Ngoài ra, chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ tham quan du lịch thành phố...

Thời gian tới Thành phố sẽ tìm những giải pháp cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch tàu biển. Đồng thời kêu gọi đầu tư hình thành các dịch vụ phục vụ khách đạt tiêu chuẩn quốc tế tại cảng như nhà chờ, lưu niệm, ẩm thực, nghệ thuật....

Thành phố sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch đến khách thị trường tàu biển thế giới thông qua các hãng tàu, các hội chợ, hội nghị chuyên đề; đồng thời nghiên cứu các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành để kết nối với các hãng tàu nhằm khai thác nguồn khách trên toàn thế giới; hỗ trợ để các hãng tàu thuận lợi trong việc làm thủ tục cập cảng; khảo sát thị trường nhằm đưa ra những sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp với thị hiếu, nhu cầu của từng thị trường khách và phù hợp với chương trình tour dành cho khách du lịch tàu biển.

Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, Thành phố sẽ khôi phục một số làng nghề truyền thống như làng chiếu Cẩm Nê, làng tre Tân Hạnh, làng nghề nước mắm Nam Ô,.. và đưa các sản phẩm du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm phong tục tập quán, văn hóa địa phương, vùng miền thu hút khách quốc tế, nhất là thị trường khách Âu, Bắc Mỹ.

Báo Chính phủ