Xe ngựa vận chuyển du khách là loại xe Thổ Mộ hay còn gọi là Thảo Mã xưa kia; là loại phương tiện đi lại phổ biến ở vùng Sài Gòn - Gia Định vào những năm 50 của thế kỷ XIX.
Xe ngựa ngày xưa còn gọi là xe Thổ mộ hay Thảo mã. ảnh ST
Đây là một loại xe ngựa chỉ một con ngựa kéo và được bắt nguồn từ xe cổ xưa song mã sang trọng của Pháp, Người Pháp gọi xe bằng tên: boite d' allumettes (xe hộp quẹt), sau đó được người dân chế tác, cải tiến lại cho phù hợp với điều kiện và địa hình của miền quê sông nước vùng Tây Nam Bộ thành xe độc mã (một con ngựa kéo). Hiện nay Bến Tre người dân tham gia làm du lịch sử dụng xe ngựa để vận chuyển du khách len lõi trong đường làng vùng quê Xứ Dừa đã tạo thêm cảm giác hấp dẫn cho du khách khi trải nghiệm lênh đênh bập bền trên sông nước rồi lại chuyển sang gồ ghề của xe ngựa trong một sinh thái miệt vườn tại Bến tre.
Từ câu vè: "Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang, Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một, Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…" nên người dân gọi Bình Dương là địa phương khởi nguồn của dòng xe này. Thật ra thì chưa ai khẳng định được xe thổ mộ có từ bao giờ và xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh hay Bình Dương. Những thập niên 40, 50 là giai đoạn phát triển mạnh loại xe nầy thì chợ Thủ Dầu Một có đến trên 50 chiếc nhộn nhịp chạy trên đường. Không chỉ vậy Thủ Dầu Một còn có nhiều trại đóng xe thổ mộ có tiếng với thùng xe đẹp, trang nhã, bánh xe bằng gỗ bền chắc, có đường kính rất lớn để chống dằn lên hắt xuống với đường xá gồ ghề; điều đặc biệt của bánh xe thổ mộ là không dùng bạc đạn, mà tra trực tiếp bánh xe vào trục xe để chạy. Xe sản xuất tại Thủ Dầu Một còn được gọi là xe "thùng Thủ" để phân biệt với các nơi sản xuất khác và cũng để khẳng định "đẳng cấp" của mình. Xe thổ mộ khi đó có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa, hành khách vì các phương tiện giao thông đường bộ chưa phát triển.
Ngày nay, đường xá được kiến thiết tốt hơn; Du lịch ngày càng phát triển, sự đầu tư phát triển hạ tầng du lịch cũng như sự phát triển nông thôn mới của địa phương cũng được đầu tư song song; xe ngựa được cải tiến bánh nhỏ lại, sử dụng bánh cao su phù hợp với môi trường, tiện lợi khi sử dụng cũng như tiện lợi khi thay đổi phụ tùng xe; nhưng nét đặc trưng vẫn giữ hình dáng của xe thổ mộ ngày xưa và vẫn với một con ngựa kéo (độc mã).
Du khách về Bến Tre là quê hương sông nước Xứ Dừa sẽ được trải nghiệm nhiều dịch vụ hấp dẫn không thể quên những ấn tượng sau chuyến hành trình tại Bến Tre. Sau khi những chiếc tàu du lịch đưa quí khách trải nghiệm trên sông lớn, được lênh đênh trên chiếc xuồng chèo trong rạch dừa nước rười rượi bóng mát và ngắm nhìn những cành thủy liễu đong đưa xòe bông trắng tinh dọc hai bên bờ. Đến điểm dừng chân, du khách được thưởng thức trà mật ong, ăn trái cây bốn mùa (mùa nào trái ấy), nghe đàn ca tài tử (một loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại); du khách được xem quá trình sản xuất mật ong, sản xuất kẹo dừa và thưởng thức những viên kẹo còn nóng hổi thơm lừng; được trải nghiện trong đường vườn rộp bóng dừa xanh và đi xe ngựa cọc cạch trên đường làng với mỗi chiếc xe chở đến 6 người.
Xe ngựa ngày nay dùng vận chuyển khách du lịch tại Bến Tre. ảnh LL
Con ngựa chạy cọc cạch, lốp đốp theo làn điệu đều đặn nhờ mảnh sắt mà người chủ ngựa đóng cho chúng dưới những cái móng sừng của ngựa làm chạm mặt đường tạo tiếng kêu. Có người hỏi vui:
- Tại sao người ta lại đóng móng sắt ấy cho chúng?
Mọi người ngồi trên xe suy nghĩ tìm câu trả lời; có người nói :
- Họ đóng để trong khi chạy trên đường có tiếng kêu nghe cho vui tai.
Người thứ hai lại nói:
- Để khi chạm mặt đường không làm mòn móng sừng của ngựa.
Không ai trả lời đúng và mọi người vẫn tìm thêm câu trả lời nhưng đến khi hết đoạn đường ngồi xe vẫn chưa có câu trả lời đúng. Đến điểm dừng chân thứ hai, những người trên xe ấy cầu cứu những người ngồi xe khác đã đi cùng đoàn thì cuối cùng cả đoàn vẫn chịu thua. Người đố vui trả lời ngắn gọn:
- Tại con ngựa không đóng được nên họ phải đóng giúp chúng. Còn đóng móng sắt để làm gì thì các bạn đã trả lời.
Tất cả mọi người cười ngắc ngoải và là câu chuyện vui tạo thành ký ức sau chuyến hành trình khi trải nghiệm xe Độc Mã mà người dân nơi hay gọi thông dụng là Xe Ngựa.
Xe thảo mã với những tiếng kêu lách cách đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam. Ngày xưa xe dùng để chở người đi lại hoặc chuyển hàng hóa từ những vùng quê lên Sài Gòn. Những việc đi lại trong vùng như đi thăm viếng, cưới hỏi người ta đều chọn phương tiện nầy. Chiếc xe thổ mộ đã để lại nhiều kỷ niệm đối với người dân Nam Bộ; đến nay xe ngựa còn gìn giữ dù đã được cải biến nhưng cũng là giữ nét văn hoá - lịch sử của vùng đất Xứ Dừa Bến Tre./.
Lê Luông