(TITC) – Ngày 29/3/2019, trong khuôn khổ Hội chợ VITM 2019, Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Đại hội thành lập Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VGTA).
Toàn cảnh Đại hội
Tham dự đại hội có ông Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng các thành viên của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam.
Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam là tổ chức xã hội nghề nghiệp tập hợp đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các công ty lữ hành, các sân golf của Việt Nam, các câu lạc bộ golf, sân golf tại các khu nghỉ dưỡng, các resort, các khu du lịch, tổ hợp du lịch trong cả nước và các cá nhân là những người chơi golf, các chuyên gia, các nhà kinh doanh trong lĩnh vực golf và du lịch yêu thích, ủng hộ môn golf…
Hiệp hội được thành lập nhằm phát triển du lịch, khai thác bộ môn golf thông qua các hoạt động như tổ chức các chương trình du lịch kết hợp với bộ môn golf, tổ chức giải đấu golf, hội thảo golf, hội chợ golf… trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của du lịch golf Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung phát biểu tại Đại hội
Phát biểu tại Đại hội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết, theo ông Peter Walton – Chủ tịch Tổ chức Du lịch Golf thế giới, hiện nay có khoảng 60 triệu golf thủ trên toàn thế giới. Các golf thủ chi tiêu nhiều hơn 2 lần so với chi tiêu khách du lịch bình thường. Du lịch Golf hiện đã trở thành một thị trường ngách mạnh mẽ, mang lại doanh thu cao, tạo cơ hội việc làm và cơ hội cho các điểm đến trên toàn thế giới.
Du lịch golf là một loại hình du lịch cao cấp đang có tốc độ phát triển rất nhanh và có sức thu hút lớn đối với những người có khả năng chi trả cao. Du lịch golf không chỉ cung cấp sản phẩm phong phú, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, mà còn mang lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm và các lợi ích kinh tế - xã hội. Do đó, du lịch golf dành được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam có 32 sân golf đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Các sân golf Việt Nam hầu hết mới được xây dựng, thiết kế hiện đại, có vị trí tương đối gần nhau, có khả năng cạnh tranh với những sân golf tốt nhất của các nước láng giềng và rất hấp dẫn với khách du lịch golf vốn yêu thích chinh phục nhiều sân golf và trải nghiệm cảm giác khác nhau về môi trường, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và văn hóa bản địa.
Tuy vậy, phát triển du lịch golf Việt nam hiện nay vẫn ở giai đoạn ban đầu, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh. Hạn chế lớn nhất của du lịch golf Việt Nam là việc liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với các sân golf còn lỏng lẻo nên các tour du lịch golf chiếm tỷ lệ thấp, du lịch golf hầu như chưa kết nối với các loại hình du lịch khác nhau như du lịch MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng, caravan… Hệ thống dịch vụ du lịch golf đang trong quá trình hoàn thiện, chưa tổ chức được nhiều giải đấu chuyên nghiệp và chưa liên kết với các sân golf trong khu vực nên giá trị sản phẩm chưa cao. Các sân golf chưa quan tâm đến công tác quảng bá, chưa chủ động bắt tay với các doanh nghiệp lữ hành để sân có lượng khách dồi dào, tăng hiệu quả kinh doanh.
Phó Tổng cục trưởng đánh giá, để giải quyết những hạn chế đó, sự ra đời của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam là điều cần thiết và quan trọng, đáp ứng mong mỏi của những người làm du lịch, góp phần đánh thức tiềm năng du lịch golf và thúc đẩy du lịch chất lượng cao của Việt Nam, làm gia tăng giá trị của du lịch Việt Nam.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Được biết, trong năm 2019, Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam sẽ xây dựng và hoàn thiện Bộ nhận diện thương hiệu, tổ chức bộ máy nhân sự, thành lập các ban chuyên môn để triển khai hoạt động trên từng lĩnh vực; tổ chức các buổi hội thảo, khảo sát thực tế các sân golf, làm việc với các công ty lữ hành, hãng hàng không… nhằm tìm các giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các thành viên trong Hiệp hội.
Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm nhiệm kỳ lần thứ nhất (2019-2023); tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, nghiệp vụ du lịch – golf cho đội ngũ cán bộ chủ chốt; làm việc với một số tổ chức liên quan đến du lịch golf của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… để thống nhất kế hoạch định kỳ hàng năm tổ chức sự kiện quảng bá xúc tiến du lịch kết hợp giải đấu du lịch golf; tổ chức hội nghị chuyên đề về golf.
Tại Đại hội, các thành viên của Hiệp hội Du lịch Golf đã tiến hành bầu Ban Chấp hành, Ban Thường trực, Ban Kiểm tra. Ban chấp hành đã chính thức ra mắt với 30 thành viên và thông qua Nghị quyết Đại hội.
Tin, ảnh: Thu Thủy