Thành phố Hồ Chí Minh là nơi phát triển du lịch hàng đầu ở nước ta, nơi đây có những khu phố ẩm thực ngoại - tinh hoa của các nền văn hóa ẩm thực trên thế giới. Tại nhiều con phố nhỏ ở các quận trung tâm mọc lên hàng trăm nhà hàng bán món ăn ngoại. Người dân, du khách có thể thoải mái thưởng thức hương vị Á - Âu trong không gian ẩm thực đa dạng, độc đáo.
Một nhà hàng Italia trên phố đi bộ Bùi Viện, Quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh).
Những điểm đến hút khách
Giữa tháng 5-2019, nữ du khách Niga Hana (32 tuổi, quốc tịch Anh) đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh. Cô dạo quanh một vòng các di tích nổi tiếng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, sau đó tận hưởng các món ngon của ẩm thực Việt Nam. Đêm xuống, Niga Hana hòa vào dòng du khách cùng tìm đến phố đi bộ Bùi Viện để giao lưu, thưởng thức đồ ăn, thức uống mang hương vị châu Âu, châu Á. Niga Hana chia sẻ với chúng tôi: “Trước khi đến Việt Nam tôi rất tò mò khi trang du lịch Traveller của Australia giới thiệu các thành phố có nền ẩm thực chất lượng ở châu Á. Ngoài 3 điểm đến quen thuộc là Bangkok (Thái Lan), Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore còn có thành phố Hồ Chí Minh. Khi đến đây, tôi mới thực sự cảm nhận, quả là một thế giới mới cho những ai đam mê ẩm thực”.
Theo chân các du khách, chúng tôi đến phố đi bộ Bùi Viện để tìm hiểu điều gì đã thu hút họ tại “khu phố Tây” này. Tầm 19h, khu phố đã rực rỡ sắc màu hòa trong tiếng nhạc. Nơi đây được xem là tổ hợp dịch vụ, giải trí, ẩm thực với hơn 260 cơ sở hoạt động phục vụ du khách. Mỗi ngày tuyến phố Bùi Viện có khoảng 500 du khách quốc tế lưu trú, có thời điểm tăng đến 1.200 du khách.
Vừa mời khách vào dùng món ăn, chị Bùi Thị Thư, nhân viên nhà hàng Italia trên tuyến phố đi bộ Bùi Viện cho biết: “Nhà hàng bán món pizza, pasta và các loại thức uống đặc biệt. Du khách rất thích thưởng thức đồ ăn, không chỉ khách châu Âu mà khách châu Á và người Việt đã lựa chọn ăn uống tại nhà hàng chúng tôi”.
Cách phố đi bộ Bùi Viện chưa đầy 2km là con phố ẩm thực đặc biệt của du khách Nhật Bản. Nơi đây có hàng chục nhà hàng trên các tuyến đường Lê Thánh Tôn, Trương Định, Đông Du thuộc địa bàn quận 1. Điểm chung của các nhà hàng này là không gian bài trí hàng quán đậm chất Nhật Bản với những bảng hiệu song ngữ Việt - Nhật làm từ gỗ, vải, đèn lồng màu trắng, đỏ, vàng cùng những chiếc cửa cuốn đặc trưng. Phần lớn quán ăn nơi đây đều thuộc về các ông chủ, bà chủ người Nhật Bản. Nhân viên phục vụ mặc trang phục kimono, cúi rạp người chào đón thực khách bước vào nhà hàng. Ở phố Lê Thánh Tôn có tới hơn 20 nhà hàng Nhật Bản với những món ăn ngon như: Sushi, canh miso, bánh xèo Nhật, ramen, bánh hoa anh đào, bánh mocha cao cấp... được sản xuất tại Nhật Bản và nhập khẩu vào Việt Nam.
Tuy chưa xuất hiện dày như nhà hàng Nhật Bản, nhưng xung quanh khu vực quận 1, hàng loạt nhà hàng ẩm thực phong phú dành riêng cho du khách châu Á như nhà hàng Ấn Độ, Thái Lan... được bố trí trên tuyến đường Hai Bà Trưng, quận 1. Du khách thường đến nhà hàng Ganesh để thưởng thức các món ăn đặc trưng của Ấn Độ như cà ri, gà nướng, bánh dosa… Còn với những du khách đam mê ẩm thực Thái Lan, có thể thoải mái thưởng thức gỏi đu đủ Thái, gỏi ba khía, gỏi cá trê chiên xù tại các nhà hàng bán món Thái trên tuyến đường này.
Để giữ chân du khách
Trên tuyến đường Hai Bà Trưng, chúng tôi gặp ông ThongChai Phanthong (55 tuổi) - đến thành phố Hồ Chí Minh cách đây 20 năm. Từ ngày đầu đặt chân đến thành phố này, ông đã mở nhà hàng Con Voi Vàng ở đường Hai Bà Trưng để giới thiệu ẩm thực Thái Lan đến người dân và du khách. Ông ThongChai Phanthong kể: “Ban đầu tôi định kinh doanh món Thái Lan cho khách Việt Nam. Nhưng sau đó, du khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh ngày một đông nên lượng khách đến nhà hàng tăng đều, đến nay khách quốc tế chiếm tỷ lệ 50%”.
Theo tiết lộ của ông chủ người Thái, bí quyết của nhà hàng để giữ chân du khách chính là nấu món ăn đúng chuẩn Thái Lan nhằm lưu giữ bản sắc ẩm thực của xứ sở Chùa Vàng. Nhờ sự kết nối của Đại sứ quán Thái Lan, các công ty du lịch, cộng đồng người Thái tại thành phố Hồ Chí Minh nên nhà hàng luôn tấp nập khách. Ngoài cơ sở ở đường Hai Bà Trưng, ông còn mở thêm nhà hàng thứ hai gần khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Ông ThongChai Phanthong tự hào khoe với chúng tôi: “Nhờ nguyên liệu chế biến món ăn ở Việt Nam cũng tương đồng với Thái Lan nên tôi không gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguyên vật liệu để nấu nướng. Tuy nhiên, vẫn có một số gia vị đặc biệt, tôi nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan để phục vụ du khách”...
Để thu hút, giữ chân du khách đến thành phố Hồ Chí Minh, mới đây thành phố đã đồng ý tiếp tục cho hoạt động Chợ ẩm thực châu Á dưới lòng đất được bố trí ở công viên 23-9, quận 1. Khu chợ có tổng diện tích tầng hầm 11.000m², trong đó 5.000m² dành để tái hiện không gian văn hóa ẩm thực đường phố châu Á xưa với gần 100 gian hàng ẩm thực của Việt Nam, Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nhật Bản. Khu chợ được mở cửa hoạt động từ tháng 3-2017. Sau một thời gian tạm ngưng để sửa chữa, khu chợ ẩm thực sẽ mở cửa hoạt động trở lại từ ngày 1-6-2019.
Có thể thấy, sự xuất hiện của nhà hàng ngoại cũng tạo điều kiện cho ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh phát triển. Ban đầu các nhà hàng này phục vụ cộng đồng người nước ngoài sinh sống, làm việc tại thành phố, sau đó là phục vụ du khách quốc tế và nội địa. Theo anh Bùi Tiến Luật - hướng dẫn viên du lịch tự do tại thành phố Hồ Chí Minh: “Nếu du khách quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh 10 ngày thì sẽ dành 6-7 ngày thưởng thức ẩm thực Việt Nam, còn lại sẽ tìm đến các nhà hàng mang phong vị quê hương của họ và khám phá thêm các nhà hàng ẩm thực của các quốc gia khác”.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, các ngành phục vụ du lịch như nhà hàng, khách sạn, điểm đến tham quan luôn được thành phố quan tâm, hỗ trợ. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến hấp dẫn cho du khách và các nhà đầu tư, doanh nhân quốc tế. Thành phố sử dụng đa ngôn ngữ, đa văn hóa, đa dạng nhà hàng. Các bạn đến thành phố sẽ luôn tìm thấy hình ảnh, chút hương vị quê hương mình”.