Không phải bỗng nhiên mà Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có độ phủ sóng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông và được khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế ưu tiên lựa chọn. Điều này chỉ có thể xuất phát từ nguồn tài nguyên du lịch dồi dào, cùng một chiến lược khai thác và phát triển du lịch một cách bài bản, hiệu quả của địa phương.
Du khách trải nghiệm du lịch Tràng An bằng thuyền nhỏ.
Từ khóa “du lịch Ninh Bình” gắn liền với những địa danh, được đánh “dấu đỏ” trên bản đồ du lịch Việt Nam hiện nay. Đó là Cố đô Hoa Lư, Nhà thờ đá Phát Diệm, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn chim Thung Nham, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long... Đặc biệt là Quần thể danh thắng Tràng An, di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Những thắng cảnh đẹp, môi trường sinh thái tự nhiên được bảo vệ tương đối hoàn hảo và nhiều di tích lịch sử - văn hóa lâu đời, đang được tỉnh Ninh Bình khai thác và phát huy hiệu quả tương đối tốt.
Trên hành trình qua các miền di sản, chúng tôi đã có dịp trải nghiệm vẻ đẹp kỳ thú của non nước Ninh Bình. Trong đó, Quần thể danh thắng Tràng An thật xứng là “trái tim” của du lịch Ninh Bình. Tràng An là sự kết hợp vô cùng hài hòa của cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với các di sản văn hóa giàu giá trị.
Di sản hỗn hợp này có tổng diện tích 12.252 ha và chứa đựng trong lòng nó hầu hết các di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được nhận diện và xếp hạng của tỉnh. Nhờ đó, quần thể danh thắng được UNESCO đánh giá cao, với các giá trị nổi bật toàn cầu về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất địa mạo.
Nhìn từ trên cao, Tràng An giống như một chiếc sa bàn cổ, được tạo hóa nhấn nhá những hình sông, thế núi, những hang động quanh năm ngập nước và những thảm thực vật còn khá hoang sơ. Còn muốn trải nghiệm được cận cảnh vẻ đẹp ấy, du khách phải di chuyển bằng thuyền nhỏ - loại thuyền thô sơ do người dân địa phương chèo lái. Thuyền sẽ đưa ta luồn lách qua các hang động xuyên qua lòng núi dài hàng trăm mét; hay xuyên qua những lạch nước nhỏ để vào sâu trong các “thung lũng nước”, bao quanh là các ngọn núi cao ngất, để cảm giác được thế nào là sự hùng vĩ của tự nhiên. Rồi cũng từ đường thủy, du khách sẽ được cập bến nhiều điểm đến thú vị, đặc biệt là phim trường “Kông – đảo đầu lâu”, một bom tấn của điện ảnh Mỹ, được lấy một phần bối cảnh tại Tràng An.
Nếu trải nghiệm Tràng An mang đến cho du khách cảm giác yên bình và được tận hưởng bầu không khí trong lành của thiên nhiên hoang sơ, thì sự tĩnh tại và trầm lắng của Cố đô Hoa Lư lại khiến cảm xúc con người như dịu hơn, an ổn hơn. Di tích lịch sử văn hóa quốc gia này rộng khoảng 300 ha và là một trong ba khu vực hợp thành Quần thể di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An. Cố đô gắn liền với sự ra đời và tồn tại của 3 vương triều Đinh, Tiền Lê và khởi đầu triều Lý. Trải qua nhiều biến thiên, diện mạo cố đô xưa đã có nhiều thay đổi. Song nhiều chứng tích về một giai đoạn lịch sử hào hùng thì vẫn còn in dấu qua hệ thống di tích quan trọng, bao gồm đền thờ và lăng vua Đinh, đền thờ và lăng vua Lê, chùa Nhất Trụ, đền Vực Vông, bia Cửa Đông... Đặc biệt, cố đô nghìn năm tuổi này còn được gọi là “kinh đô đá”, nhờ nằm giữa cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với những dãy tường thành thiên tạo của các vòng cung núi đá sừng sững.
Sự phát triển ấn tượng của du lịch Ninh Bình những năm trở lại đây không thể phủ nhận, có cơ sở từ cách thức gìn giữ, khai thác và phát triển du lịch bền vững, dựa vào di sản thiên nhiên và văn hóa. Tại hội nghị hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Thanh Hóa – Ninh Bình – Quảng Ninh hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Năm 2018, Ninh Bình đã đón trên 7,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 1 triệu khách quốc tế, tổng thu đạt trên 3.200 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2019, tỉnh đón được 5 triệu lượt khách, tổng thu đạt 2.100 tỷ đồng. Để phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững, tỉnh Ninh Bình đã đề ra những quan điểm cụ thể. Trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và phát triển du lịch là trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân; phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tập trung đầu tư vào các lĩnh vực lưu trú, vui chơi giải trí, làng nghề, mua sắm; phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch.
Tỉnh Ninh Bình đặt ra mục tiêu sớm trở thành một trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cơ bản. Trong đó, tập trung phát triển du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt, đặc biệt là khu danh thắng Tràng An. Chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại và các cơ sở lưu trú chất lượng từ 3-5 sao. Xây dựng các sản phẩm du lịch mới, bổ trợ cho sản phẩm du lịch văn hóa – di sản. Kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào du lịch. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông, các hội chợ du lịch và thông qua các đoàn famtrip, frestrip trong nước và quốc tế. Tăng cường liên kết phát triển du lịch với khu vực Đồng bằng Sông Hồng và các địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch và sự phối hợp của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp trong phát triển du lịch.
Bài và ảnh: Hoàng Xuân