Năm 2019 ghi nhận những dấu ấn đầy tự hào của du lịch Việt Nam. Giành hàng loạt giải thưởng du lịch quốc tế, được du khách quốc tế đánh giá cao và có nhiều bình chọn về điểm đến, liên tục phá kỷ lục về số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam, đó là những mốc mới mà ngành du lịch liên tục đạt được trong năm qua.
Du khách nước ngoài đi du thuyền trên sông Đà.
Nhiều giải thưởng danh giá
“Mùa bội thu” giải thưởng của du lịch Việt Nam được báo hiệu khi các đề cử cho giải thưởng du lịch Thế giới (WTA) được chính thức công bố hồi cuối tháng 9. Nếu tính cả các đề cử về phương tiện vận chuyển, lưu trú, ẩm thực và điểm đến, Việt Nam có tới hàng chục đề cử. Đây là giải thưởng du lịch thường niên dành cho tất cả các thành phần tạo nên ngành công nghiệp du lịch, như điểm đến, lưu trú, lữ hành, tổ chức và điều hành tour, hãng hàng không, vận chuyển…
Nổi bật nhất là sáu đề cử ở sáu hạng mục hàng đầu thế giới gồm: Điểm đến văn hóa hàng đầu thế giới (World's Leading Cultural Destination 2019); Điểm đến hàng đầu thế giới (World's Leading Destination 2019); Hội đồng Du lịch hàng đầu thế giới, dành cho Tổng cục Du lịch (World's Leading Tourist Board 2019); Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới, dành cho thành phố Hà Nội (World's Leading City Destination 2019); Điểm đến du lịch ẩm thực hàng đầu thế giới (World's Leading Culinary Destination 2019); Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu thế giới, dành cho thành phố Hội An (World's Leading Cultural City Destination 2019).
Ngoài ra, ở hạng mục Điểm đến, Vịnh Hạ Long và Đà Nẵng còn được đề cử các giải thưởng Điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới, và Điểm đến Sự kiện và Văn hóa hàng đầu thế giới, cùng với Vietnam Airlines với bảy đề cử liên quan đến các dịch vụ, giải trí… trong chuyến bay, và Viettravel được hai đề cử về Điều hành Tour và Hãng Du lịch hàng đầu thế giới.
Đông đảo nhất trong các đề cử về lưu trú là các khách sạn, resort… với 23 đề cử cùng những tên tuổi quen thuộc như JW Mariot, Villa @Six senses Côn Đảo, Intercontinental Danang Sun Peninsula Resort, Intercontinental, Anantara Quy Nhơn, The Grand Hồ Tràm Resort…
Tại Gala trao giải WTA châu Á – châu Đại Dương tổ chức tại Phú Quốc hồi giữa tháng 10, du lịch Việt Nam đã được vinh danh với bốn giải thưởng: Điểm đến hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019; Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên ẩm thực Việt Nam được vinh danh là Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019.
Tiếp đó, tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) lần thứ 26 vừa diễn ra tại Muscat (Oman), Việt Nam lần thứ hai được vinh danh là Điểm đến hàng đầu Di sản thế giới 2019 và lần thứ ba được ghi nhận là Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019.
Chưa kể, vào tháng 1 năm nay, Việt Nam còn giành được 15 giải thưởng du lịch ASEAN trong khuôn khổ Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF 2019.
Những giải thưởng lớn trên trường quốc tế không chỉ đem lại vinh dự cho ngành du lịch, mà còn đánh dấu sự ghi nhận của thế giới đối với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch Việt Nam.
Số lượng khách liên tục phá kỷ lục
Năm 2019 còn ghi nhận số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng. Khởi đầu là tháng 1 với số lượng du khách quốc tế đạt hơn 1,5 triệu lượt, các tháng từ tháng 7 đến hết tháng 11 liên tục tăng. Đặc biệt, riêng tháng 10 và tháng 11, hai kỷ lục về số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục được lập. Tháng 8, sau khi trở lại mốc 1,5 triệu lượt khách sau ba tháng hè sụt giảm, số du khách quốc tế đến Việt Nam liên tục tăng, và tháng 10 đạt mức cao kỷ lục với 1,62 triệu lượt. Con số này nhanh chóng được thay thế bởi một mốc mới của tháng 11: hơn 1,8 triệu lượt, ghi nhận một kỷ lục mới.
Tràng An, nơi thu hút rất đông du khách nước ngoài.
Sự tăng trưởng của các tháng cuối năm đã góp phần làm tăng tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, sau 12 tháng, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đã cán mốc 18 triệu lượt. Như vậy, ngành du lịch đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu đón 17,5-18 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2019.
Với mức tăng 13 và 11% trong hai tháng 10 và 11, Tổng cục Du lịch đánh giá đây là mức tăng trưởng cao hơn mức đáng kể so với mức tăng bình quân của thế giới. Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), trong 6 tháng đầu năm 2019, khách quốc tế trên toàn thế giới tăng trưởng 4%, trong đó châu Á-Thái Bình Dương tăng 6%, Đông Nam Á tăng 5%... Điều đáng mừng là tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng, cả châu Âu, châu Á, châu Mỹ, châu Phi…
Mức tăng trưởng cao và những giải thưởng quốc tế danh giá là những động lực mạnh mẽ để ngành du lịch tiếp tục phát triển, tuy nhiên, du lịch Việt Nam cũng còn phải giải quyết nhiều vấn đề nội tại để phát triển bền vững hơn, để tăng về chất lượng, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ du khách quay trở lại các lần sau. Những vấn đề đã được đề cập đến nhiều trong những năm qua, như thủ tục xin visa, nạn chặt chém, tình trạng quá tải ở một số điểm du lịch, bộ mặt của du lịch địa phương, thái độ của người dân đối với du khách, những yếu tố còn thiếu và yếu của ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ đồng đều… nếu không nhanh chóng giải quyết, sẽ trở thành vật cản ngày càng lớn trên con đường phát triển của du lịch Việt Nam.
Tuyết Loan