Từ khi được công nhận là điểm du lịch làng nghề, để phát triển Bát Tràng trở thành điểm du lịch có tiêu chuẩn quốc tế, chính quyền và người dân Bát Tràng đang cùng nhau áp dụng công nghệ mới, đa dạng hơn các dịch vụ để thu hút nhiều hơn khách du lịch đến với làng nghề.
Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi giới thiệu du lịch Bát Tràng. Ảnh: Gia Huy
Ứng dụng công nghệ vào du lịch
Đầu tháng 10/2019, Bát Tràng đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch của UBND TP. Hà Nội. Đây là kết quả của quá trình làng nghề đổi mới công nghệ sản xuất, đổi mới mẫu mã sản phẩm của hơn 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ; của quá trình người dân chủ động, tự giác và tích cực tham gia phát triển du lịch.
Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi cho biết: “Ngay từ khi đón nhận Quyết định điểm du lịch Bát Tràng, chúng tôi đã xác định đưa công nghệ mới vào và áp dụng công nghệ tiên tiến để khai thác du lịch”. Tại thời điểm đón nhận Quyết định, Bát Tràng đã khai trương một số sản phẩm du lịch như: Ứng dụng (app) du lịch Bát Tràng; Cổng thông tin điện tử Bát Tràng; trải nghiệm wifi miễn phí; ứng dụng thuyết minh tự động; …
Phương án phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng giai đoạn 2019-2020 đặc biệt chú trọng đến phát triển “Du lịch thông minh”. Ông Khôi cho biết, hiện nay địa phương đang thực hiện du lịch thông minh trên địa bàn xã, bước đầu triển khai một số sản phẩm nhứ lắp wifi miễn phí; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ thương mại Bát Tràng dưới dạng phim 3D; đầu tư hệ thống thuyết minh tự động tại các điểm tham quan cũng như hệ thống du lịch thông minh qua ứng dụng trên điện thoại.
Khu du lịch lò Bầu cổ có diện tích hơn 4.000 m2 gồm nhiều khu vực để thu hút khách du lịch như: Lò nung gốm, tìm hiểu quy trình sản xuất, trưng bày các sản phẩm gốm… Ảnh: Gia Huy
Trong đó, trung tâm du lịch Bát Tràng đã được đưa vào hoạt động, nơi cung cấp các thông tin qua về du lịch Bát Tràng qua các ứng dụng thông minh. Trước đây du khách đến Bát Tràng có rất ít thông tin về các điểm thăm quan, nay có công nghệ ứng dụng để hướng dẫn, cung cấp thông tin tham quan làng nghề, tìm hiểu văn hóa, thăm quan công trình, kiến trúc, văn hóa ẩm thực... Theo Bí thư xã Bát Tràng, từ khi trung tâm, có ngày cao điểm tiếp đến trên 1 nghìn khách qua tìm hiểu, đây là tín hiệu khả quan để địa phương tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ phục vụ khách trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo ông Khôi, app du lịch thông minh của Bát Tràng tiến tới bao gồm tất cả chủ đề của Bát Tràng, bao gồm: 23 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh sách các nghệ nhân, các dòng sản phẩm gốm, giới thiệu ẩm thực Bát Tràng… Tiến tới sẽ triển khai thêm xe điện thông minh theo hình thức gọi xe theo ứng dụng, có giá cụ thể để khách lựa chọn. Bên cạnh đó là dịch vụ xe đạp thông minh gồm các ứng dụng chỉ đường, thuyết minh tự động sẽ triển khai khi kết nối đượng vùng Bát Tràng - Kim Lan - Văn Đức là những điểm huyện Gia Lâm đang đầu tư du lịch để du khách tự khám phá các điểm du lịch.
Bí thư Bát Tràng chia sẻ, đây là những nội dung địa phương đang triển khai theo định hướng phát triển Bát Tràng trở thành điểm du lịch có tiêu chuẩn quốc tế, muốn vậy Bát Tràng phải xây dựng nhiều hạng mục, đặc biệt là đầu tư công nghệ. Mức đầu tư ban đầu dự kiến đầu tư 40 tỷ theo hình thức xã hội hóa.
Chia sẻ về làm du lịch ứng dụng công nghệ, chị Lương Nguyệt Minh, chủ khu du lịch lò Bầu cổ tại Bát Tràng cho hay, du lịch thông minh sẽ giúp du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin, có sự chuẩn bị trước khi tham quan Bát Tràng. Hiện tại Bát Tràng là làng nghề sản xuất nhưng cũng là làng nghề làm du lịch, việc sản xuất thúc đẩy cho du lịch, ngược lại du lịch thúc đẩy cho tiêu thụ hàng hóa, hai hoạt động này bổ trợ và đều phát triển.
Các em học sinh trải nghiệm các dịch vụ du lịch tại Bát Tràng. Ảnh: Gia Huy
Những món ăn đặc trưng Bát Tràng
Giới thiệu về ẩm thực Bát Tràng, Bí thư xã Phạm Huy Khôi cho biết ngoài sản xuất và làm thương mại về gốm sứ thì Bát Tràng còn rất nhiều khai thác để phát triển du lịch, trong đó có ẩm thực. Từ xa xưa phụ nữ Bát Tràng đã rất đảm đang để tạo ra được những món ăn đặc trưng của Bát Tràng với những nghệ nhân như Nguyễn Thị Lâm, Phạm Thị Diệu Hoài… là những người đang bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn hương vị truyền thống của những món ngon của Bát Tràng.
Nghệ nhân Phạm Thị Diệu Hoài cho biết, để có thêm dịch vụ phục vụ khách du lịch và thu hút hơn khách về nơi đây, địa phương vận động người dân làm du lịch cộng đồng. Chính vì vậy chị mượn ngôi nhà cổ 300 năm tuổi mở không gian phục vụ cho khách du lịch đến Bát Tràng muốn nếm thử các món ẩm thực.
Mâm cỗ của Bát Tràng cũng đã dạng như cỗ của người Hà Nội, gồm 6 bát, 8 đĩa hoặc 4 bát, 6 đĩa gồm các: Giò, chả, nem rán, thịt gà, chim quay, canh măng chân giò, canh bóng thịt thăn, bánh chưng, su hào xào mực … và đặc biệt mâm cỗ tại đây giờ không thể thiếu món canh măng mực, được coi là món nhận diện trong mâm cỗ truyền thống tại Bát Tràng.
Mâm cỗ truyền thống phục vụ du lịch tại Bát Tràng. Ảnh: Gia Huy
Chị Diệu Hoài chia sẻ, cầu kỳ nhất là làm món măng mực, chọn măng loại ngon, ngâm, luộc nhiều lần cho kỹ. Chọn măng thanh bì bởi nó giòn, không bị nát, mà khi tước ra, dễ ngấm các loại gia vị. Ngâm, luộc xong, người Bát Tràng sẽ dùng dao nạo hết phần thừa của miếng măng, cho hai mặt phẳng như nhau. Tiếp đó, người ta tước nhỏ măng, để chuẩn vị Bát Tràng, người đầu bếp sẽ tước măng bằng… kim băng bởi tước càng nhỏ, sẽ càng ngon, càng dễ ngấm gia vị. Tước măng xong lại phơi khô để dùng dần. Trước khi nấu, phải luộc lại bằng nước mưa cho ngọt, rồi vắt ráo. Mực ngon phải chọn loại của Thanh Hóa, Nghệ An, loại cho nước ngọt nhất. Mực được tẩy bằng nước gừng, rượu trắng, tiếp đó lại nướng lên, rồi tước nhỏ ra. Nước dùng được ninh kỹ tôm và xương, chỉ lấy phần nước. Măng đã vắt được cho vào xào với mực, xào kỹ, xong mới đun lên với nước dùng.
“Nấu các món ăn truyền thống của làng phải là sự say mê”, chị Diệu Hoài chi sẻ. Chính vì thế mà với du khách đã một lần được ăn cỗ Bát Tràng cứ nhớ mãi những món ăn cổ truyền được chế biến bởi tâm huyết của những nghệ nhân ẩm thực nơi đây.
Hòa An