Cùng với những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như phun thuốc diệt khuẩn, khuyến khích đeo khẩu trang và phát khẩu trang, tuyên truyền về các nguyên tắc phòng dịch cho du khách và người dân…, ngành du lịch đang hướng tới bảo đảm các điểm đến an toàn để thu hút du khách.
Du khách nước ngoài tham quan khu di tích Hỏa Lò (Hà Nội)
Trong những ngày “bão” dịch tại nhiều nơi trên khắp thế giới, thì Khánh Hòa những ngày này lại trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách Nga. Du khách từ Nga vốn là một trong những thị trường trọng điểm của Khánh Hòa, cao thứ hai chỉ sau thị trường Trung Quốc. Năm 2019, Khánh Hòa đã đón gần 463 nghìn lượt khách Nga, tăng hơn 4,5% so với năm 2018; chiếm 71,6% tổng số khách Nga đến Việt Nam (646.524 lượt khách). Đầu năm 2019, do ảnh hưởng của dịch bệnh, du khách Trung Quốc đến Khánh Hòa giảm mạnh, còn du khách Nga vẫn ổn định.
Với Khánh Hòa, vốn có không ít nghi ngại khi có một người nhiễm virus Covid 19 trong những ngày đầu tiên dịch này xuất hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc điều trị thành công và khoanh vùng dập dịch an toàn đã xóa tan những nghi ngại đó. Cách ly kịp thời, điều tra lịch sử đi lại, tiếp xúc của bệnh nhân, cảnh báo và khuyến cáo tới người dân giữ gìn vệ sinh, rửa tay, sử dụng khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt du khách, hành khách, xịt khuẩn ở các cơ sở dịch vụ... tất cả những việc làm đó đã khiến cho du khách cảm thấy yên tâm khi trở lại với Khánh Hòa.
Khánh Hòa, Nha Trang lâu nay vẫn có lợi thế với phong cảnh biển đẹp, nhiều sản vật, cùng những nét đẹp văn hóa đặc sắc như các cụm tháp Chăm, văn hóa dân tộc Chăm, ẩm thực. Mảnh đất miền trung cũng được biết đến với hình ảnh người dân hồn hậu mến khách, thân thiện, an toàn. Hình ảnh đông đảo du khách Nga đến với Khánh Hòa, hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời ở đây đã trở thành “công cụ” quảng bá vô cùng hữu hiệu cho du lịch Nha Trang – Khánh Hòa trong bối cảnh ngành du lịch giảm sút mạnh do bệnh dịch.
Hiện nay, mỗi tuần Khánh Hòa có 25 chuyến bay đến từ Nga, khai thác các tàu bay thân rộng như Boeing 767, 777. Theo số liệu từ Sở Du lịch Khánh Hòa, trong tháng 1 có khoảng 54 nghìn lượt du khách Nga tới Khánh Hòa. Tháng 2, có khoảng 52 nghìn lượt, và dự kiến trong tháng 3, con số này sẽ tăng lên, sau khi bệnh dịch được đẩy lui đầy khả quan ở Việt Nam.
Cũng như Khánh Hòa, thành phố Huế đang đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thân thiện, an toàn đối với du khách. Theo Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, trong hai tháng đầu năm nay, số lượng du khách đến Huế giảm, nhưng chủ yếu là khách du lịch châu Á. Còn du khách đến từ các thị trường Âu, Mỹ vẫn ổn định. Cùng với việc tích cực phòng dịch, với lợi thế xanh sạch lâu nay, Huế đang là một điểm đến an toàn với đông đảo du khách.
Những ngày này, khách du lịch đến với Hà Nội cũng chủ yếu là du khách từ các thị trường Âu, Mỹ, Australia… Thị trường khách Trung Quốc giảm mạnh. Tính đến ngày 17-2, đã có gần 20 nghìn khách quốc tế hủy tour đến Hà Nội, chủ yếu là khách Trung Quốc.
Đối với Hà Nội, việc thực hiện chặt chẽ và nghiêm cẩn công tác phòng dịch là một trong những điều giúp du lịch Hà Nội “ghi điểm” đối với du khách. Ở nhiều điểm du lịch, du khách được phát miễn phí khẩu trang, ngoài ra tại những nơi này cũng đều đặn phun thuốc diệt khuẩn, đặt nước rửa tay cùng với các pano, áp phích tuyên truyền đầy đủ, rõ ràng về tình hình dịch bệnh. Những việc làm này tuy nhỏ nhưng cũng khiến cho du khách thấy yên tâm hơn.
Quảng Ninh, địa phương vốn thường xuyên đón một số lượng lớn du khách Trung Quốc, và trong những ngày đầu năm, khách Trung Quốc đến đây cũng giảm mạnh. Tuy nhiên, khách châu Âu và Mỹ đến với vịnh Hạ Long vẫn ổn định. Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch ở Quảng Ninh cũng đang chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng tránh dịch như cách ly an toàn với những người trong diện có nguy cơ lây nhiễm, phun thuốc khử trùng hằng ngày đối với tàu khách, nhà hàng, khách sạn, trang bị máy đo thân nhiệt từ xa, nhiệt kế điện tử, phát khẩu trang cho du khách, khuyến cáo khách rửa tay diệt khuẩn trước khi xuống tàu, vào nhà hàng, khách sạn…
Những ngày gần đây, Viettravel đã có ý tưởng về chiến dịch truyền thông mang tên “I am safe” – Tôi an toàn được cộng đồng du lịch hưởng ứng. Với hình ảnh một điểm đến an toàn, thân thiện, mến khách, hy vọng ngành du lịch sẽ sớm vượt qua những khó khăn trước mắt, xây dựng được thêm nhiều thị trường mới và phát triển ổn định hơn.