Bạc Liêu: Thăm khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Cập nhật: 13/03/2020
Nhắc đến Đờn ca tài tử Nam Bộ, bản "Dạ cổ hoài lang" của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu có lẽ là ca khúc nổi tiếng nhất, mang lại sự thay đổi một phần cho nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nói riêng, và cải lương Việt Nam nói chung. Trong chuyến về thăm miền Tây, tôi có dịp dừng chân trên mảnh đất Bạc Liêu để thăm khu lưu niệm của ông cũng như được nghe những câu chuyện về sự ra đời của bản nhạc đã tròn 100 năm tuổi.

Di tích lịch sử văn hóa Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu được xây dựng tại thành phố Bạc Liêu, với tổng diện tích hơn 12.000 m2, là nơi ghi dấu cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ; đồng thời, là nơi bảo tồn, trưng bày và lưu niệm nghệ thuật “Đờn ca tài tử Nam Bộ”. Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia năm 2012.

Khu di tích lưu niệm bao gồm nhiều công trình như khu mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những người thân, tượng bán thân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, khu trưng bày hình ảnh, hiện vật của các ông tổ của nền cải lương Nam Bộ, khu vực biểu tượng cây đàn kìm, sân khấu ngoài trời,...

Khi vừa đi qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp tượng đài ống tre hiện ra sừng sững nằm ngay chính giữa khu lưu niệm, phía sau đài phun nước. Tượng đài này chính là chiếc đàn kìm – biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ - gắn liền với hình ảnh nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người con của tỉnh Bạc Liêu. Đàn kìm được cách điệu từ đốt tre, phần đàn kìm được đục lõm tạo sự huyền bí, thiêng liêng, gợi lên sự hoài niệm và tưởng nhớ về những người đã khuất. Đây cũng là nơi du khách thắp hương tưởng niệm.

Bước lên đài tre là lan can cầu thang bằng đá xanh được khắc họa hình dáng rồng hướng lên theo bậc thang kết hợp với vân mây vì Bạc Liêu được ví như là cái nôi đờn ca tài tử và cũng là nơi phát triển nghệ thuật này mạnh nhất Nam Bộ, sức mạnh này được ví như rồng. Từ đài tre nhìn xuống, bạn sẽ thấy tổng thể khu vực đặt tượng nhạc cụ được thể hiện hình chữ Trí (bằng chữ Hán) cùng 12 loại nhạc cụ dân tộc được khắc bằng đá xanh.

Nếu muốn chiêm ngưỡng những tư liệu quý về nghệ thuật đờn ca tài tử hay ngắm nhìn hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ nhân cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu thì khu trưng bày là nơi du khách nhất định phải tham quan. Tại đây, phục trang sân khấu của nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng, những cảnh phục dựng đờn ca tài tử bằng sáp hay những nhạc cụ cổ của các nghệ nhân đều có mặt. Du khách sẽ được tìm hiểu về một thời hưng thịnh của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Việt Nam cũng như tìm hiểu đôi chút về hoản cảnh lịch sử của bản “Dạ Cổ Hoài Lang”.

Dạ Cổ Hoài Lang (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng). Bản nhạc được ông viết khi ông và vợ buộc phải xa cách sau 3 năm chung sống mà không có con. Trong thời gian này vì nhớ thương vợ, đêm đêm ông ôm đàn ra gảy, những giai điệu những ca từ đều nói lên tiếng lòng của ông dành cho người vợ của mình. Và ông tin rằng là một người phụ nữ, vợ còn nhớ thương ông hơn nữa nên ông mới đặt tên cho bản nhạc lòng này là Hoài Lang.

Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu luôn là điểm đến mà nhiều du khách lựa chọn mỗi khi có dịp ghé thăm Bạc Liêu. Không chỉ để bày tỏ tình cảm với vị nhạc sĩ tài hoa, mà còn là cách để những người yêu thích môn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tìm hiểu sâu hơn những giá trị của môn nghệ thuật được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

Bài và ảnh: Thanh Hiền

vtr.org.vn