Đình Quan Phố, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên, Hà Nam) nằm ở vị trí trung tâm của thôn, có cảnh quan đẹp, trước mặt là giếng nước cổ, hồ nước rộng trong xanh bao quanh. Trong khuôn viên đình trồng nhiều cây cổ thụ, cây lâu năm tỏa bóng mát sum suê. Đình Quan Phố xây dựng từ thời hậu Lê, được trùng tu vào năm Mậu Dần, niên hiệu Gia Long thứ 17 (1818) và niên hiệu Bảo Đại thứ 10 (1935).
Theo phong thủy, đình được xây dựng trên thế đất hình rồng, vị trí đình là lưng rồng, đầu rồng là vị trí chùa Quan Phố. Theo sắc phong, thần phả và các tư liệu lưu giữ tại di tích thì đình Quan Phố thờ 5 vị thần thời vua Hùng Duệ Vương thứ 18 có công giúp nước yên dân là: Cao Sơn Đại vương, Thiện Tâm Đại vương, Pháp Viện Đại vương, Hà Bá Đại vương và Chàng Lý tôn thần.
Đình có bố cục mặt bằng hình chữ nhị, gồm hai tòa: đệ nhất và đệ nhị. Tòa đệ nhất bốn mái cong, gồm 3 gian 2 chái; dài 18,2m và rộng 8,2m. Kích thước các gian không bằng nhau. Gian giữa dài 4m, hai gian bên bằng nhau 3,4m và hai gian chái bằng nhau dài 3,7m. Bộ khung chịu lực của tòa đệ nhất gồm có 6 vì (4 vì nóc và 2 vì góc), mỗi vì gồm 4 hàng chân cột (2 cột cái, 2 cột quân). Cột cái hình tròn có chiều cao 3,78m, đường kính 40cm. Cột quân hình tròn cao 2,59m, đường kính 30cm. Bốn cột cái gian giữa kê trên chân tảng đá xanh vuông cạnh 59cm, mặt nổi gương tròn. Bốn cột cái hai gian bên kê trên chân tảng cổ bồng cao 51cm, đường kính 32cm. Toàn bộ cột quân kê trên chân tảng đá xanh vuông, cạnh 50cm.
Toàn cảnh Di tích đình Quan Phố, xã Chuyên Ngoại, Duy Tiên nhìn từ trên cao.
Kiến trúc tòa đệ nhất theo phong cách thời hậu Lê cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Hai vì gian giữa theo thức chồng rường giá chiêng mê cốn, bẩy tiền, bẩy hậu. Hai vì gian bên theo thức chồng rường giá chiêng kẻ, bẩy tiền, bẩy hậu; hai gian chái có kết cấu xà đùi, xà nách, trụ non, chồng rường gieo vần bắt mái. Liên kết giữa các vì là hệ thống xà lòng thượng, hạ.
Tòa đệ nhị gồm 5 gian xây bít đốc giật cấp là nơi đặt ngai, bài vị thờ các vị thành hoàng. Tổng chiều dài tòa này là 10,6m; rộng 5,6m. Gian giữa dài 2,2m; hai gian bên bằng nhau, dài 2,4m; hai gian hồi bằng nhau, dài 1,8m. Đặc biệt, từ bốn cột cái phía trước tạo bộ khung chịu lực hai tầng mái hiên, nâng thêm độ cao cho công trình. Bộ khung chịu lực tòa đệ nhị gồm 4 vì, mỗi vì gồm 3 hàng chân cột (2 cột cái và 1 cột quân), không có hàng cột quân phía trong, phần mái tỳ lực lên tường. Cột cái có chiều cao 3,4m, đường kính 20cm. Bốn cột cái và 4 cột quân phía ngoài kê trên chân tảng cổ bồng. Kiến trúc theo lối chồng rường, giá chiêng, kẻ, bẩy tiền theo phong cách thời Nguyễn.
Dàn mái tòa đệ nhất được tạo bởi các hoành tròn, tòa đệ nhị là hoành vuông, dui tấm dàn trải đều đặn, mái lợp ngói nam. Hai đầu bờ nóc tòa đệ nhất đắp con kìm, miệng mở rộng ngậm chặt bờ nóc, đuôi uốn cong cuốn thành ba vòng. Bờ chảy xây gấp khúc theo bốn mái. Bờ dải đắp nghê, đao mái đắp rồng, phượng. Giữa tòa đệ nhất đặt một hương án gỗ thờ công đồng, trên đặt bát hương, đỉnh hương và các đồ thờ, hai bên dựng bát biểu. Từ tòa đệ nhất qua một khoảng sân nhỏ vào tòa đệ nhị, phía ngoài đặt một hương án gỗ, bên trong đặt 5 cỗ ngai thờ 5 vị thành hoàng, ban thờ gian giữa có ba cỗ (ngai giữa to nhất thờ Cao Sơn Đại Vương, hai ngai hai bên thờ Pháp Viện Đại vương và Thiện Tâm Đại vương), ban thờ gian bên trái (tính từ trong nhìn ra) đặt cỗ ngai thờ Hà Bá Đại vương, ban thờ gian bên phải đặt cỗ ngai thờ Chàng Lý tôn thần.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, người dân làng Quan Phố tự hào chia sẻ: Trong thời kỳ kháng chiến, đình Quan Phố thường là nơi hoạt động cách mạng, hội họp và luyện tập của bộ đội địa phương, dân quân du kích của thôn. Bên cạnh đó, đình Quan Phố là nơi ghi dấu thành quả cần cù lao động, trí sáng tạo, lòng yêu quê hương đất nước, chứa đựng giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của bao thế hệ người dân địa phương cần được gìn giữ và phát huy.
Những mảng chạm khắc độc đáo có giá trị nghệ thuật cao ở đình Quan Phố.
Không chỉ là một công trình mang đậm nét kiến trúc độc đáo, giá trị Di tích đình Quan Phố còn được thể hiện ở các đề tài trang trí trên các bức cốn vì nách, bẩy, đấu, con rường, đầu dư, nghé đỡ... Trên các con rường, kẻ, bẩy đều được chạm nổi lá hỏa, lá lật cách điệu. Câu đầu ở tất cả các vì to khỏe làm theo kiểu má chai, giữa to hai đầu nhỏ dần. Bốn đầu dư ở hai vì gian giữa chạm thông phong tách bóc từng chi tiết hình đầu rồng, mỗi đầu rồng lại có kích cỡ to nhỏ, dài ngắn khác nhau. Nghé kẻ ở phía trước hai vì gian giữa chạm nổi hình con nghê, nét mặt ngộ nghĩnh, hai tay trước dang rộng, hướng chầu vào trong. Các cấu kiện: bẩy, xà nách, con rường liên kết với các bức mê cốn ở cả hai bên của mỗi vì nách phía trong lẫn ngoài đều được chạm khắc trang trí tỉ mỉ với nhiều đề tài khác nhau, thể hiện thẩm mỹ điêu khắc của các hiệp thợ cũng như bàn tay điêu luyện, óc sáng tạo tài hoa của các nghệ nhân xưa. Tiêu biểu là những bức mê cốn hai bên vì nách phía trước và sau gian giữa tòa đệ nhất, chạm khắc đề tài rồng cuốn thủy với đầu rồng to nhô cao, mắt lồi tròn, miệng mở rộng, bờm cong, râu dài, móng nhọn, thân uốn nhiều khúc thế cuốn thủy, xung quanh là mây nước đan xen hoa lá sen, cá chép, phượng múa, long mã, rùa... hết sức sinh động. Mặc dù đều tập trung vào đề tài long cuốn thủy, tứ quý, nhưng trên từng bức cốn ở tòa đệ nhất và một số bức cốn vì hiên tòa đệ nhị, các nghệ nhân xưa đã chạm khắc hình ảnh các biến thể đề tài tứ linh cùng hình ảnh phượng múa, rồng, ly, rùa, ao sen sinh động.
Hiện nay, đình Quan Phố còn lưu giữ nhiều đồ thờ, hiện vật quý với nhiều loại chất liệu khác nhau, như: giấy, gỗ, sứ, đồng có niên đại thời hậu Lê và Nguyễn. Tiêu biểu, như: hương án, bát hương, ngai, bảng chúc, hoành phi, cửa võng, quán tẩy...; đặc biệt, còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong thời Nguyễn, góp phần minh chứng cho giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của di tích.
Ngoài ra, cổ vật đáng chú ý ở đình có 6 cỗ ngai; trong đó, 5 cỗ ngai đặt cung trong, một cỗ ngai đặt cung ngoài tòa đệ nhị. Trong 5 cỗ ngai thờ Thành hoàng thì 4 cỗ có kích thước bằng nhau, cao 0,70m; cỗ ngai đặt chính giữa có kích thước cao hơn 0,90m. Các cỗ ngai này đều giữ được nước sơn son thếp vàng cổ. Ngai được tạo tác theo phong cách thời Nguyễn. Tay ngai hai bên là đôi rồng chung lưng uốn cong. Thân rồng chạm điểm những đám mây chiết đoạn. Đầu rồng nhô cao về phía trước, mắt tròn sáng, miệng ngậm hạt ngọc. Lưng ngai uốn cong chia làm 3 ô đục thông phong hình mặt hổ phù, long mã và phượng múa. Ở diềm của lưng ngai chạm hình rồng lượn. Sáu trụ ngai hai bên được tiện tròn, ở giữa chạm nổi lá lật hóa long. Bệ ngai tạo kiểu chân quỳ dạ cá; phía trước và hai bên chạm nổi hình mặt hổ phù mắt lồi to, miệng ngậm chữ thọ.
Ông Phạm Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chuyên Ngoại cho biết: Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học nêu trên, địa phương mong muốn Cục Di sản văn hóa xem xét xếp hạng di tích đình Quan Phố, xã Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên) là Di tích Lịch sử Văn hóa loại hình Kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia, qua đó nhằm tạo điều kiện để chính quyền và nhân dân địa phương bảo tồn, phát huy giá trị của di tích. Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường bảo vệ, bảo tồn và phát huy, quảng bá các giá trị của di tích, để nơi đây thực sự trở thành địa điểm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho các thế hệ trẻ.
Lê Dũng