Bài 1: Du lịch phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 18/03/2020
Cụm Liên kết hợp tác, phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long được hình thành từ năm 2014 gồm các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang, Trà Vinh, Long An và Đồng Tháp. Đây là khu vực có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước, miệt vườn, có nhiều sản phẩm du lịch đã được hình thành. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thuộc cụm đang có những giải pháp phù hợp nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn. Bên cạnh đó, cụm liên kết cũng như từng địa phương tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác, liên kết mang tính đồng bộ, căn cơ để có thể bứt phá trong thời gian tới.

Phóng viên TTXVN phản ánh nội dung này qua hai bài viết: Du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long chung sức vượt khó và tăng cường kết nối, đa dạng các sản phẩm.

Ảnh: Trần Thị Thu Hiền - TTXVN

Bài 1: Chung sức vượt khó

Theo một số chuyên gia du lịch, do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngành du lịch các địa phương đều đang đối mặt với khủng khoảng về sụt giảm nghiêm trọng lượng khách.

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong 2 tháng đầu năm nay lượng du khách quốc tế đến thành phố giảm hơn 21%; riêng trong tháng 2, lượng khách nội địa đã giảm đến 60%, khách quốc tế giảm 52%.

Điều đó đồng nghĩa với việc, tại nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long nguồn khách cũng sụt giảm theo vì Thành phố Hồ Chí Minh là nơi thu hút lượng lớn du khách, đồng thời cũng là địa phương đóng vai trò trung chuyển, đưa khách xuống các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có các địa phương nằm ở phía Đông.

Đề cập đến hoạt động du lịch các tỉnh phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long, ông Trương Quốc Phong, Cụm trưởng Cụm Liên kết phát triển du lịch phía Đông, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre cho biết: Với thế mạnh là sản phẩm du lịch gắn với sông nước, miệt vườn, du lịch nông nghiệp, tham quan làng nghề, các di tích, thời gian qua, du lịch của các địa phương phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long có sự tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách cũng như doanh thu.

Năm 2019, các địa phương trong cụm đón gần 12,5 triệu lượt du khách, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu đạt gần 5.670 tỉ đồng, tăng 62% so cùng kỳ năm 2018. Song ngay trong những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ lưu trú, các khu, điểm du lịch... trên địa bàn 6 địa phương thuộc cụm đều chịu nhiều thiệt hại.

Tại tỉnh Bến Tre, lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các khu du lịch sinh thái, các di tích lịch sử-văn hóa giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Chị Bùi Thị Hồng Châu, hướng dẫn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đồng khởi Bến Tre (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) chia sẻ: Là nơi ghi dấu ấn của phong trào Đồng khởi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam, được nhân dân trong nước và thế giới biết đến, di tích Đồng khởi Bến Tre giờ đây là điểm đến của nhiều du khách khi về với xứ dừa Bến Tre.

Hàng năm, Ban Quản lý Khu di tích đón lượng lớn du khách, trong đó cao điểm là vào tháng 3 (có Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 và Ngày Thành lập Đoàn Thanh niên 26/3) và tháng 7, tháng tri ân các thương binh, liệt sỹ. Song năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, khách đến khu di tích vắng hẳn.

Trong khuôn viên khu di tích thoáng đãng, ngập tràn nắng tháng 3, chị Hồng Châu cho biết thêm, dù khách đến tham quan vắng hơn song các cán bộ ở khu di tích luôn thực hiện nghiêm công tác giữ gìn vệ sinh, đảm bảo cảnh quan, môi trường trong lành, để khi du khách đến thăm sẽ thấy ngay hình ảnh khu di tích nằm giữa làng quê xứ dừa thanh bình, trong lành và an toàn trước dịch bệnh.

Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, 2 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Long An ước đạt 200.000 lượt, giảm tới khoảng 65% so với cùng kỳ năm 2019; doanh thu ước đạt 80 tỉ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm 2019. Các tỉnh Long An, Vĩnh Long, lượng du khách đi theo đoàn, đi lẻ đều sụt giảm đáng kể.

Chuẩn bị phương án phục hồi

Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm này của các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch, các điểm, khu du lịch tại các địa phương là thực hiện nghiêm việc kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho du khách và nhân lực ngành du lịch. Song song đó, các địa phương thận trọng chuẩn bị, từng bước thực hiện các phương án phục hồi phù hợp.

Theo Cụm trưởng Cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông Trương Quốc Phong: Đến thời điểm này, cả 6 địa phương thuộc Cụm liên kết phát triển du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long vẫn là điểm đến an toàn đối với du khách. Các địa phương trong cụm thường xuyên cập nhật tình hình, chia sẻ thông tin, động viên, trao đổi những giải pháp ứng phó để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Các khu, điểm du lịch, đặc biệt là các điểm đã được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận là điểm du lịch tiêu biểu trong giai đoạn khó khăn này, chú trọng bảo tồn cảnh quan, tìm tòi, chuẩn bị các sản phẩm du lịch mới theo hướng gia tăng trải nghiệm trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng khí hậu nhiều nắng, thoáng mát, sông nước miệt vườn; phục vụ du khách chu đáo, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch đối với du khách đến tham quan. Đặc biệt, Ban quản lý một số Khu du lịch sinh thái ở tỉnh Bến Tre cũng tranh thủ thời gian này tạo điều kiện cho nhân viên cập nhật thông tin, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi ngoại ngữ.

Chuẩn bị các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch sau khi kết thúc dịch bệnh trên địa bàn cả nước, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bến Tre, các doanh nghiệp của tỉnh cũng kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xem xét hỗ trợ về chính sách giảm thuế, giảm lãi suất, giãn thời gian thu nợ, thu thuế, giãn thời gian đầu tư nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch trong giai đoạn khó khăn.

Nhiều doanh nghiệp du lịch trong tỉnh đề xuất một số chương trình kích cầu thúc đẩy du khách về Bến Tre trở lại. Chẳng hạn tour tham quan sông nước miệt vườn, về nguồn, nghỉ đêm nhà dân, các dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, ăn uống...  sẽ đều có sự giảm giá phù hợp. Nhiều doanh nghiệp xác định, thị trường nội địa là ưu tiên số một trong các chương trình khuyến mãi, giảm giá vì du khách trong nước sẽ là những người đi du lịch đầu tiên khi dịch bệnh kết thúc.

Cũng như Bến Tre, Tiền Giang là tỉnh ở phía Đông đồng bằng sông Cửu Long, có thế mạnh du lịch tham quan, trải nghiệm tại các vườn cây ăn trái. Theo lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, trong giai đoạn này, các doanh nghiệp du lịch ở địa phương tập trung nâng cao hơn nữa chất lượng điểm đến để khi dịch bệnh kết thúc, du khách đến Tiền Giang sẽ đông hơn.

Trong đó, tại các điểm du lịch vừa được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận là điểm đến vào dịp cuối năm 2019 như Điểm du lịch Như Ý (ấp Tân Luông A, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy), điểm du lịch Công Đoàn Thới Sơn (ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho) có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị dành cho du khách như: Chèo đò, tham quan vườn trái cây chôm chôm, bưởi, mít, trải nghiệm hoạt động của người nông dân miệt vườn hái trái cây, tát mương, bắt cá, làm bánh xèo hến, bánh lá mít…

Còn với  Long An - vùng đất trải dài theo hai triền sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, nơi có hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười đa dạng, vừa qua lãnh đạo UBND tỉnh Long An và đại diện Tổng Công ty du lịch Sài Gòn đã bàn thảo, trao đổi về các giải pháp phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới trên cơ sở khai thác thế mạnh du lịch đường sông, du lịch làng nghề, du lịch chăm sóc sức khỏe./.

(Còn tiếp)

Thanh Trà - Công Trí - Hồng Nhung

dantocmiennui.vn