Mỗi nơi sông Hồng chảy qua, đều để lại những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là văn hóa Thăng Long.
Theo dòng chảy thời gian, sông Hồng bồi đắp phù sa, hình thành nên một vùng đất đai màu mỡ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Có thể nói, sông Hồng không chỉ là biểu tượng của một nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn mang lại nhiều giá trị văn hóa đặc thù và đáng trân trọng của người Việt.
Quang cảnh sông Hồng, một đoạn chảy qua cầu Long Biên nhìn sang cầu Chương Dương - Ảnh: truyenhinhdulich.vn
Nền văn minh sông Hồng đã được định hình từ thuở xa xưa, tuy không sớm và có sức lan tỏa rộng bằng các nền văn minh lớn khác, nhưng lại có nhiều giá trị và nét đặc trưng. Chị Lê Minh, nghiên cứu viên Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, chia sẻ: “Nền văn minh lúa nước có vai trò quan trọng trong việc định hình và phát triển của lịch sử thế giới. Ở trên thế giới, khi nói về văn minh lúa nước, người ta thường nghĩ ngay đến những vùng đồng bằng lúa nước được bồi đắp bởi những con sông như Lưỡng Hà ở Trung Đông, sông Hằng ở Ấn Độ, sông Nin ở Ai Cập. Nhưng khi nói về lịch sử ra đời của cây lúa, của những vùng đồng bằng văn minh lúa nước, người ta sẽ phải đề cập đến những vùng đất ở Nam Trung Hoa, bây giờ còn gọi là Đông Nam Á. Và đồng bằng Bắc Bộ của Việt Nam là một trong những cái nôi đầu tiên của văn minh lúa nước. Và do đâu chúng hình thành nên được một vùng châu thổ như thế? Đó là do sông Hồng; đó cũng là nguồn nước để nuôi vùng đồng bằng châu thổ đặc biệt của chúng ta”.
Mỗi nơi sông Hồng chảy qua, đều để lại những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó nổi bật nhất là văn hóa Thăng Long. Tuy phần chảy qua Hà Nội chỉ là một đoạn ngắn so với chiều dài của cả sông Hồng, song dấu ấn của văn hóa sông nước và phong tục tập quán được phản ánh rất rõ ràng. Theo chị Lê Minh: "Sông Hồng không chỉ là cái nôi nuôi dưỡng nền văn minh lúa nước, nó còn là cái nôi để nuôi dưỡng nền văn hóa của Việt Nam và con sông Hồng cũng là nơi bắt nguồn của lối sống định canh, định cư và khởi nguồn của nền văn hóa làng xã đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng ở Việt Nam. Nếu chúng ta đi dọc sông Hồng sẽ thấy rất nhiều đền đài, chùa miếu, những di sản, di chỉ còn sót lại và nổi bật nhất ở trong số đó là miếu thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh, Vĩnh Phúc, hay thành Cổ Loa với 9 vòm được xây vào khoảng thế kỷ thứ III. Nếu Cổ Loa là thành lâu đời nhất trên sông Hồng thì thành nổi tiếng nhất gắn với sông Hồng chính là thành Thăng Long, mà bây giờ chúng ta còn gọi là Hà Nội. Không chỉ là vùng đất tựa núi nhìn sông, thành Thăng Long còn là nơi sông Hồng chảy qua. Thành Thăng Long Hà Nội còn gắn với sông Hồng qua sự tích ngày xưa, vua Lý Công Uẩn bước xuống thuyền rồng rồi nhìn lên bầu trời thấy rồng bay lên”.
Lễ hội Cổ Loa diễn ra hàng năm - Ảnh: hoangthanhthanglong.vn
Hà Nội được ví như một thành phố trong sông, với 9 dòng sông lớn nhỏ chảy quanh: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu, sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy và sông Tích. Sông Hồng là ranh giới phân tách nội thành và ngoại thành Hà Nội. Nghiên cứu viên Lê Minh cho biết thêm: “Hà Nội có thể nói là thành phố trong sông, con sông Hồng là con sông lớn nhất chảy qua thành phố này. Con sông Hồng cung cấp của cải, vật chất cho người Hà Nội với lúa, gạo, với giao thông đường thủy, nhưng cũng nuôi dưỡng tinh thần của người dân Thủ đô với những câu hát, điệu hò với ngàn năm văn hóa, văn hiến, với bề dày lịch sử của đất kinh kỳ”.
Ở Hà Nội, đa phần các kiến trúc văn hóa đều được đặt ở bên sông, gần nguồn nước. Những kiến trúc như đình, đền, cung miếu… được hình thành nên từ sông Hồng, tất cả đều được phản ánh rõ nét trong văn hóa Thăng Long. Chẳng hạn, có rất nhiều những đền đài, miếu thờ được xây dựng ở ven khu vực Hồ Tây. Cùng với đó là những dấu ấn của thi ca, của lễ hội, tín ngưỡng đậm chất văn minh sông Hồng. Những làng nghề từ khắp nơi đều tụ về đây, để lại nhiều giá trị văn hóa tuyệt vời và vẫn còn hiện diện trong đời sống thường ngày của người dân Hà Nội, như nghề làm gốm, nghề làm tương… Bạn Nguyễn Thị Trà, sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội, chia sẻ: “Theo đúng chuyên ngành mình học về cơ sở văn hóa của Việt Nam thì mình thấy sông Hồng là một đại diện, một minh chứng sống cho nền văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Tới ngày nay, mặc dù Việt Nam đã du nhập nhiều nền văn hóa từ khắp nơi nhưng mình cảm thấy bản sắc truyền thống bắt nguồn từ sông Hồng vẫn đang còn được giữ nguyên vẹn. Tôi nghĩ rằng những giá trị này nên được giữ gìn, trân trọng cũng như nên được quảng bá, phổ cập đến nhiều người biết hơn nữa, từ những người dân Việt Nam đến những người bạn nước ngoài đến Việt Nam sinh sống, làm việc hoặc du lịch”.
Cho đến nay, những giá trị mà văn minh sông Hồng mang lại vẫn còn hiện hữu cực kỳ rõ nét trong nhiều nét văn hóa và xã hội của Thủ đô, từ kiến trúc, làng nghề truyền thống, đến âm nhạc, tín ngưỡng, cho thấy sức sống bền bỉ vượt thời gian của những giá trị và nét đẹp văn hóa trên mảnh đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội.
Kim Anh, Nguyễn Linh