Phát triển du lịch nông nghiệp - Hướng đi bền vững
Cập nhật: 25/03/2020
Du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói” mang lại lợi ích kinh tế cao, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, bảo tồn giá trị văn hóa. Với lợi thế của vùng, du lịch Hà Nội những năm gần đây đã phát triển theo hướng mới gắn với nông nghiệp sinh thái. Mô hình này vừa khai thác được thế mạnh vừa mang lại giá trị cao.

Du lịch nông nghiệp sinh thái là hướng phát triển bền vững, hiệu quả trong tương lai. Ảnh: Thiện Tâm

Nhiều tiềm năng

Theo Sở Du lịch, trong bối cảnh thành phố Hà Nội tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020 đã tạo diện mạo mới. Đặc biệt là hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển du lịch nông nghiệp tại các làng nghề truyền thống và ngược trở lại. Du lịch nông nghiệp sẽ là động lực thúc đẩy cho việc thực hiện phong trào nông thôn mới với tốc độ nhanh, bền vững do không những tham gia tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng đầu ra của sản phẩm mà còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội là địa bàn tập trung nguồn tài nguyên du lịch cả về tự nhiên và nhân văn của vùng Bắc bộ và là nơi giàu tài nguyên du lịch hấp dẫn của cả nước và khu vực. Nơi đây, tập trung những tiềm lực kinh tế chủ yếu của vùng, là đầu mối giao lưu vùng, cả nước, quốc tế với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không phát triển, là cửa khẩu quốc tế quan trọng hàng đầu của đất nước; tập trung các cơ quan đầu não về kinh tế, chính trị, văn hoá… Cùng với địa thế núi non, sông hồ hết sức đa dạng của vùng núi Ba Vì, vùng núi Nương Ngái - Hương Sơn, hồ Quan Sơn, hồ Đồng Quan, hồ Suối Hai... có cảnh quan, hệ sinh thái và môi trường phù hợp đã và đang trở thành thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp.

Các sản phẩm du lịch nông nghiệp tại Hà Nội chủ yếu chú trọng khai thác yếu tố văn minh lúa nước của vùng đồng bằng Bắc Bộ; du lịch nông nghiệp kết hợp với tham quan văn hóa di sản, làng nghề; khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ cho hoạt động du lịch học đường, du lịch cuối tuần tại Hà Nội và các tỉnh phụ cận. Điển hình như: tour thăm mùa lúa chín tại Đường Lâm; tour du lịch nông nghiệp kết hợp tham quan làng cổ ở Đường Lâm hay các tour du lịch nông trại, tour du lịch trải nghiệm rau hữu cơ, làng chè, rau rừng tự nhiên và đa dạng sinh học, tour du lịch tìm hiểu thảo dược và văn hóa chữa bệnh của dân tộc Dao, dân tộc Mường vùng Ba Vì của Trang trại du lịch đồng quê Ba Vì,... 

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội thêm giàu tiềm năng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Tận dụng lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú, du lịch Hà Nội thời gian qua đã dần khẳng định vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước, là đầu mối trung chuyển và phân phối khách chủ yếu của khu vực phía Bắc. 

Phát triển du lịch nông nghiệp là hướng đi chủ đạo

Xu hướng đầu tư phát triển nông nghiệp chất lượng cao của các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ thúc đẩy khuyến khích hoạt động du lịch nông nghiệp phát triển ở hai góc độ tạo thành điểm đến thu hút khách và phát triển các mặt hàng nông sản để thương mại hóa phục vụ khách du lịch. Ngoài ra, mô hình phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với không gian sản xuất nông nghiệp sẽ được đầu tư phát triển để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp thông qua hoạt động du lịch. Do đó, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sẽ là hướng đi chủ đạo trong xu hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa hiện nay.  

Cùng với đó, Hà Nội cũng chú trọng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú gắn với sinh thái dọc theo các vành đai xanh bao gồm: Vành đai xanh hai bờ sông Hồng, vành đai xanh cảnh quan sinh thái, vành đai xanh hai bờ sông Đáy, các homestay, village ở khu du lịch sinh thái đã làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Góp phần quan trọng trong quá trình xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho cộng đồng dân cư.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn có thể nhận thấy du lịch nông nghiệp, sinh thái hiện nay ở Hà Nội còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như chưa có tầm nhìn dài hạn, hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều nơi phát triển mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; sản phẩm chưa chú trọng về thương hiệu. Nhiều mô hình du lịch nông nghiệp đã được khai thác trong nhiều năm nhưng không được đầu tư, làm mới, chủ yếu dựa vào môi trường sinh thái tự nhiên nên không còn hấp dẫn du khách. 

Để khắc phục những hạn chế nêu trên nhằm phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô, Sở Du lịch sẽ chủ động phối hợp cùng Sở NN&PTNT tham mưu UBND thành phố Hà Nội triển khai các biện pháp, các chương trình nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển loại hình du lịch sinh thái, nông nghiệp mang tính hiệu quả và bền vững. Trong đó rà soát đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm điểm đến du lịch liên kết gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp. Ngành du lịch và ngành nông nghiệp cần phối hợp tổ chức điều tra, khảo sát hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp tại các địa phương để có đánh giá toàn diện về thực trạng phát triển cũng như khuyến nghị các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp phù hợp và các chính sách hỗ trợ tương xứng.

Xây dựng và ban hành Bộ tiêu chuẩn chuẩn hóa các dịch vụ phục vụ trong mô hình du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; triển khai các mô hình du lịch nông nghiệp với các tour du lịch nông nghiệp làm mẫu chuẩn mang tính lan tỏa; khuyến khích, hướng dẫn người dân tại các vùng nông thôn tham gia phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch sinh thái gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp đến người dân, tổ chức, cá nhân, cán bộ công chức. 

Song song với việc vận động, kêu gọi đầu tư, Sở Du lịch còn phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố, các địa phương vùng lân cận như: các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hoà Bình…tổ chức nhiều đoàn khảo sát du lịch tiến hành khảo sát các điểm đến du lịch, các khu du lịch sinh thái trên địa bàn để xây dựng và triển khai phát triển các sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái tại các diễn đàn, hội chợ, hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. 

Thiện Tâm

chinhphu.vn