Rà soát tình hình khách du lịch hiện nay trên địa bàn thành phố; Khảo sát việc thi hành Luật Điện ảnh; Thể thao biển - hướng mở cho thể thao Đà Nẵng là những điểm tin văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật tại thành phố Đà Nẵng.
Trước diễn biến phúc tạp của đại dịch Covid-19, UBND thành phố Đà Nẵng tiến hành rà soát tình hình khách du lịch trên địa bàn thành phố. (Nguồn: nguoiduatin.vn)
Rà soát tình hình khách du lịch hiện nay trên địa bàn thành phố
Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã có Công văn số 356/SDL-QLLH gửi UBND thành phố về việc rà soát tình hình khách du lịch hiện nay trên địa bàn thành phố.
Công văn nêu rõ, qua báo cáo của các cơ sở lưu trú du lịch tính đến ngày 25/3 có khoảng 154 người nước ngoài đang lưu trú tại các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố. Đây là khách đã nhập cảnh trước thời điểm tạm dừng nhập cảnh đối với toàn bộ người nước ngoài từ ngày 22/3/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các cơ sở lưu trú đã thực hiện khai báo qua phần mềm khai báo y tế của Bộ Y tế và thông tin với Công an thành phố, Sở Y tế để giám sát và thực hiện các biện pháp cách ly, phòng chống dịch theo quy định.
Đối với khai báo sức khỏe du lịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế và Tổng cục Du lịch, Sở Du lịch đã có công văn số 306/SDL-QLCSLT ngày 17/3 thông báo khẩn về việc khai báo y tế đối với toàn bộ khách đang sử dụng dịch vụ du lịch do đơn vị kinh doanh lữ hành, lưu trú, khu điểm du lịch; yêu cầu các doanh nghiệp kiểm tra và hướng dẫn việc khai báo y tế của khách.
Thể thao biển - hướng mở cho thể thao Đà Nẵng
Thông tin trên báo Đà Nẵng điện tử cho biết, với bờ biển dài hơn 60km và từng tổ chức nhiều sự kiện quốc tế như giải Lướt sóng quốc tế 1993, nội dung bơi của các Cuộc thi IRONMAN 70.3 và đặc biệt, tổ chức thành công các môn thi đấu ABG 5, Đà Nẵng hoàn toàn có cơ sở để xây dựng và phát triển thể thao biển, đáp ứng yêu cầu giải trí cho du khách cũng như nhu cầu tập luyện, thi đấu của nhân dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: thethaovanhoa.vn)
Đồng thời, căn cứ vào chiến lược phát triển thể thao thành tích cao Đà Nẵng đến năm 2020 xác định các môn Bóng đá Bãi biển, Bóng chuyền Bãi biển thuộc nhóm 2 là nhóm có huy chương Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và một số môn mới, phù hợp với tố chất con người và truyền thống của miền Trung, Đà Nẵng để đầu tư phát triển. Thể thao biển, vì vậy được coi là hướng mở của thể thao Đà Nẵng, góp phần từng bước xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố tổ chức sự kiện thể thao biển hàng đầu Việt Nam trong tương lai.
Khảo sát việc thi hành Luật Điện ảnh
UBND thành phố Đà Nẵng vừa có báo cáo trình Bộ VHTTDL về khảo sát việc thi hành Luật Điện ảnh trên địa bàn thành phố.
Về thực trang tổ chức, hoạt động điện ảnh trên địa bàn thành phố, báo cáo nêu rõ: Thành phố có một đơn vị sự nghiệp công lập trên lĩnh vực điện ảnh là Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố có một rạp chiếu bóng (Rạp Lê Độ) gồm 02 phòng chiếu với tổng số 500 ghế. Rạp chiếu bóng Lê Độ được tiếp quản từ năm 1975, đến năm 1993 được sửa chữa nâng cấp và đã hoạt động cho đến nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: danangaz.com)
Từ cuối năm 2019, Rạp Lê Độ được sửa chữa, nâng cấp lại với 03 phòng chiếu, 342 ghế. Hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 01 (hoàn thiện 01 phòng chiếu với 132 ghế) để phục vụ người dân…
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng có 06 đơn vị điện ảnh ngoài công lập hoạt động dịch vụ chiếu phim, cụ thể: Lotte Cinema của Chi nhánh Công ty TNHH Lotte Cinema Việt Nam tại Đà Nẵng với 04 phòng, 479 ghế; Rạp CGV Vĩnh Trung Plaza và rạp CGV Vincom của Công ty CP phim Thiên Ngân – Chi nhánh Đà Nẵng với 07 phòng, 1.059 ghế; Metiz Cinema – Công ty Khởi Phát với 05 phòng chiếu, 608 ghế; Star light Đà Nẵng – Chi nhánh Công ty Cổ phần Truyền hình cáp NTH với 04 phòng, 608 ghế. Các đơn vị này có lợi thế phòng chiếu hiện đại và nguồn phim nhập khẩu trực tiếp, liên kết với các công ty trong hệ thống nên thu hút ngày càng nhiều lượng người xem. Doanh thu hàng năm đều đạt mức trên 100 tỉ đồng. Đây là các đơn vị có quy mô hoạt động khá lớn, đáp ứng chủ yếu nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố Đà Nẵng đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể như sau: Việc xây dựng và ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi) là việc làm rất cần thiết để cập nhật kịp thời, tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ nhằm thúc đẩy hoạt động điện ảnh phát triển phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, đồng thời khẳng định vai trò và bản sắc của điện ảnh Việt Nam. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu đưa vào Luật Điện ảnh một số nội dung như: Bổ sung điều khoản về hoạt động phổ biến phim của các cơ sở ngoài công lập có tính chất kinh doanh như chiếu phim tại các quán cà phê, khu vui chơi giải trí, quán bar; cấp phép, phổ biến phim Online, phim ngắn.
Anh Vũ (t/h)