Nằm giữa sông Hậu, cù lao Tân Lộc vẫn giữ được nét đẹp yên bình, mộc mạc, nguyên sơ của một làng quê sông nước Nam bộ. Nơi đây còn lưu giữ những nhà cổ khá lâu đời, nét sinh hoạt văn hóa của cư dân sông nước miền Tây với tiếng đờn ca tài tử. Tài nguyên thiên nhiên này cho phép cù lao Tân Lộc phát triển du lịch, nhất là khi Đề án Phát triển du lịch phường Tân Lộc từng bước đưa ra những hoạch định phù hợp để địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh.
Bến Ninh Kiều vốn là một bến nước nằm bên phải bờ sông Hậu, gần chợ Cần Thơ - Nguồn : Internet
Thực trạng du lịch Tân Lộc
Cách trung tâm thành phố Cần Thơ hơn 40km, cù lao Tân Lộc vẫn giữ nét nguyên sơ và màu xanh của những vườn cây trĩu quả. Nhiều người gọi cù lao Tân Lộc là “Viên ngọc xanh giữa dòng sông Hậu”, điểm đến được yêu thích bởi không gian sông nước, nét văn minh miệt vườn và du khách đến Tân Lộc cũng ngày một tăng.
Trong giai đoạn 2013-2018, lượng du khách đến Tân Lộc có mức tăng trưởng khá, đạt 15,59% mỗi năm. Năm 2013 có khoảng 14.000 lượt khách (trong đó, khách quốc tế đạt trên 1.000 lượt khách), chiếm 39,3% khách du lịch đến quận Thốt Nốt. Năm 2018, có 55.000 lượt khách (khách quốc tế đạt 4.400 lượt khách), chiếm 57,74% khách đến quận Thốt Nốt. Lượng khách năm 2018 cao gần gấp đôi so với năm 2017, với 29.000 lượt khách. Sự tăng trưởng này một phần do việc tổ chức Ngày hội Du lịch Vườn trái cây Tân Lộc ngày càng được mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động; song song với việc ký kết hợp tác với các đơn vị lữ hành từ TP Hồ Chí Minh để đưa khách đến Tân Lộc.
Nhà cổ Trần Bá Thế. Ảnh: Ái Lam
Mặc dù vậy, các hoạt động du lịch ở Tân Lộc còn tự phát và đơn lẻ. Sản phẩm du lịch còn ít, đơn điệu, chủ yếu du lịch miệt vườn sinh thái và du lịch văn hóa, lễ hội, cùng với một số điểm tham quan như: vườn dừa Tân Lộc, vườn ổi cô Điệp, vườn chôm chôm Út Trác, vườn mận Sáu Tia, vườn du lịch sinh thái Tân Lộc, nhà cổ Trần Bá Thế... Ở các điểm tham quan này vẫn thiếu sự đầu tư về hạ tầng, quy mô còn nhỏ, lẻ, thiếu các dịch vụ bổ trợ đi kèm. Các dịch vụ chỉ dừng lại ở câu cá, chèo thuyền hay hát karaoke, đờn ca tài tử.
Hiện Tân Lộc có 7 ngôi nhà cổ có giá trị tiêu biểu cho sự phát triển của địa phương, đang được nhiều thế hệ chủ nhà gìn giữ. Các ngôi nhà cổ hiện chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, đang trong tình trạng xuống cấp. Trong số này chỉ có nhà cổ Trần Bá Thế còn giữ nguyên giá trị về kiến trúc, đồ cổ, phủ thờ, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Mặc khác, Tân Lộc cũng chưa có cơ sở lưu trú kinh doanh du lịch. Hiện nay, chỉ có 5 nhà nghỉ, quy mô 45 phòng. Các cơ sở này cũng chưa đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, bởi quy mô nhỏ, chủ yếu hoạt động dưới hình thức nhà trọ. Đây cũng là một trong những nguyên do, khách đến cù lao chỉ tham quan trong ngày rồi về, không nghỉ lại qua đêm. Dù được xác định là vùng đất tiềm năng về du lịch, nhưng Tân Lộc chưa thu hút được các nhà đầu tư lĩnh vực này.
Hiện nay, cù lao Tân Lộc là một trong những điểm đến quan trọng của quận Thốt Nốt, với tỷ lệ khách du lịch đến Tân Lộc chiếm 57,74% trong tổng khách đến quận. Theo Quy hoạch tổng thể kinh tế- xã hội quận Thốt Nốt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-UBND ngày 3/2/2016 (quyết định 279), đã xác định Tân Lộc là khu vực cần được ưu tiên đầu tư, là hạt nhân du lịch của quận với định hướng phát triển du lịch cộng đồng theo hướng cảnh quan vườn và nông trại, hướng đến đô thị sinh thái.
Định hướng phát triển
Trong Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Tân Lộc được xác định là điểm du lịch sinh thái cộng đồng sông nước trong không gian du lịch phía Tây của thành phố. Đồng thời dựa trên cơ sở Quyết định 279 của UBND quận Thốt Nốt, Đề án Phát triển du lịch phường Tân Lộc đã được hình thành, từng bước giúp địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, xác định phát triển du lịch Tân Lộc trên cơ sở khai thác lợi thế về cảnh quan sinh thái nông nghiệp và văn hóa đời sống sông nước của người dân địa phương để hình thành sản phẩm du lịch. Cù lao Tân lộc sẽ trở thành điểm đến trải nghiệm nguyên bản đời sống sông nước ở Cần Thơ, gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng về văn hóa, tập quán sinh hoạt sông nước cộng đồng dân cư.
(Ảnh: Nguồn Intrnet)
Các sản phẩm du lịch được xác định là kết hợp giữa dân dã thôn quê và hiện đại cao cấp. Không gian phát triển du lịch của Tân Lộc, bao gồm: khu trung tâm dịch vụ du lịch phục vụ đón tiếp, cung cấp thông tin; các điểm trải nghiệm homestay trên các lồng bè cá, các điểm trải nghiệm homestay tại nhà cổ và các hộ dân làm vườn; các khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và cao cấp tại đầu phía Bắc và đầu phía Nam cù lao. Trong đó, tại khu vực đầu phía Bắc phát triển theo mô hình sinh thái, dân dã của làng quê sông nước, còn khu vực phía Nam phát triển theo mô hình cao cấp, hiện đại và sang trọng phục vụ khách có mức chi tiêu cao.
Trên cơ sở này, sản phẩm du lịch chính là du lịch đời sống văn hóa sông nước cộng đồng dân cư Tân Lộc, trong đó bao gồm: trải nghiệm lối sống của cộng đồng dân cư, văn hóa dân gian và du lịch văn hóa tín ngưỡng, được hình thành dựa vào phong tục, tập quán và nếp sinh hoạt từ xưa đến nay của người dân cù lao. Các sản phẩm phụ được xác định là: du lịch nông nghiệp, du lịch gắn với trải nghiệm homestay trên cù lao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Với du lịch nông nghiệp, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động: tham quan vườn và sản phẩm rượu mận, thưởng thức các sản phẩm sạch, một ngày làm nông dân… Với homestay, du khách có thể nghỉ ngơi ở nhà các hộ dân làm vườn hay trên các bè cá. Riêng với loại hình nghỉ dưỡng cao cấp cần thiết đầu tư hai dự án: Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Khai Long (từ 1-3 sao) và Khu du lịch sinh thái Cù lao Tân Lộc (Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Cồn Tiên, từ 4-5 sao).
Thị trường khách cũng được xác định, tập trung vào khách đến từ trung tâm TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận. Với thị trường nghỉ dưỡng cao cấp là khách ở TP Hồ Chí Minh, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, Tân Lộc nằm trên tuyến du lịch sông Mekong (theo tuyến đường thủy sông Hậu), do đó cù lao này hoàn toàn có khả năng thu hút các thị trường khách từ Campuchia, Châu Đốc (An Giang) và Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Với các định hướng này, du lịch Tân Lộc sẽ phát triển đột phá, dự kiến đến năm 2025, có thể đón 165.000 lượt khách, trong đó, 14.000 lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021-2025 đạt 17,19%/năm.
Đề án Phát triển du lịch phường Tân Lộc đã được phê duyệt và đang được triển khai, kỳ vọng sẽ mang đến diện mạo mới cho du lịch Thốt Nốt, góp phần làm đa dạng hóa thêm sản phẩm cho du lịch Cần Thơ.
Ái Lam