Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 519/QĐ-TTg Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có diện tích 1.049.701 m2, được xác định theo bản đồ khoanh vùng Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II của di tích, thuộc địa bàn phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Ranh giới lập quy hoạch gồm Phía Đông giáp đường Trường Sa và các khu nghỉ dưỡng (resort) ven biển; phía Tây giáp sông Cổ Cò; phía Nam giáp sông Cổ Cò và khu dân cư hiện trạng; phía Bắc giáp đường Phạm Hữu Nhật và khu tái định cư Hòa Hải 2.
Đối tượng nghiên cứu lập quy hoạch gồm:
(1) Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, không gian cảnh quan, môi trường xung quanh; các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và giá trị cảnh quan thiên nhiên gắn với danh lam thắng cảnh;
(2) Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh;
(3) Các yếu tố về đô thị, kinh tế - xã hội, dân cư trong khu vực nghiên cứu; các thể chế chính sách liên quan; hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, tình hình sử dụng đất khu vực xung quanh di tích;
(4) Các di tích, công trình, địa điểm du lịch và di sản văn hóa trong khu vực có mối liên hệ để kết nối, phát triển du lịch.
Việc quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn hướng đến các 05 mục tiêu. Các mục tiêu hướng đến bảo tồn và phát huy giá trị di tích, hài hòa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, dịch vụ du lịch; trở thành không gian văn hóa, không gian tổ chức lễ hội kết hợp điểm vui chơi giải trí đặc sắc của thành phố Đà Nẵng, điểm đến quan trọng trên hành trình du lịch “Con đường Di sản miền Trung”. Làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các giá trị đặc trưng, hệ sinh thái nguyên gốc của di tích.
Đồng thời, việc quy hoạch còn hướng đến định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật của khu vực di tích; bảo đảm kết nối hài hòa, đồng bộ với cảnh quan, môi trường xung quanh, với quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng và các quy hoạch khác có liên quan. Định hướng lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư xây dựng, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển bền vững các loại hình du lịch.
Bên cạnh đó, việc quy hoạch còn nhằm làm căn cứ pháp lý để xây dựng quy định quản lý, bảo vệ, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan; để lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích theo quy hoạch được duyệt. Tạo điều kiện, cơ chế, nguồn lực để thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Đà Nẵng bố trí nguồn vốn, phê duyệt dự toán chi phí lập quy hoạch và các chi phí khác có liên quan đến công tác lập quy hoạch. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành liên quan tổ chức lập, trình duyệt đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng theo quy định của pháp luật.
Tên gọi Ngũ Hành Sơn có từ năm Minh Mạng thứ 18 (1837) khi vua Minh Mạng dựa vào cấu tạo, vị trí tự nhiên của núi và thuyết âm dương ngũ hành đã đặt tên lần lượt cho các ngọn núi là: Kim Sơn – Mộc Sơn – Thủy Sơn – Hỏa Sơn – Thổ Sơn (riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi gần kề nên được gọi là Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và tên gọi chung cho quần thể là Ngũ Hành Sơn.
Ngày 20/1/2019, Danh thắng Ngũ Hành Sơn được đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Bài: Thanh Thảo; Ảnh: Minh Tú