“Thành phố đang triển khai các giải pháp hiệu quả để vực dậy ngành du lịch trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến nhanh và phức tạp trên thế giới; tập trung vào 8 hướng giải pháp: truyền thông và xúc tiến quảng bá du lịch, bảo đảm an toàn điểm đến Đà Nẵng; xúc tiến và duy trì đường bay khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay; nghiên cứu khảo sát và đánh giá các thị trường khách, liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch…”
Đó là khẳng định của bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch tại buổi làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành ngày 12-5 nhằm khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn sau ảnh hưởng dịch bệnh.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch chủ trì buổi làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ, lữ hành
Đảm bảo an toàn, sức khỏe - mối quan tâm hàng đầu của du khách
Theo báo cáo của Sở Du lịch, trong quý 1-2020, tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Lũy kế quý 2-2020, ước tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng (trong đó ước tính thiệt hại tại doanh nghiệp lữ hành khoảng 550 tỷ đồng; tại các đơn vị vận chuyển là 432 tỷ đồng; tại các đơn vị kinh doanh đường thủy nội địa là 11 tỷ đồng; tại các cơ sở lưu trú du lịch khoảng 4.000 tỷ đồng và tại các khu, điểm du lịch khoảng 690 tỷ đồng. Ước lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt xấp xỉ 1 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 575.000 lượt, giảm 50% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 493.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch giảm 51% so với cùng kỳ lũy kế 4 tháng 2019.
Các đường bay quốc tế trực tiếp và các thị trường khách quốc tế, nội địa đến Đà Nẵng tạm dừng toàn bộ. Tình trạng hủy tour, hủy dịch vụ diễn ra ồ ạt khiến doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại nặng do phải đặt cọc và thanh toán trước các dịch vụ. Trước những khó khăn do dịch bệnh, ngành du lịch thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, nhưng có lẽ sẽ cần một thời gian dài nữa để khắc phục những thiệt hại do dịch Covid-19 gây ra. Hiện đã có khoảng 150/968 cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đang hoạt động, trong đó có khoảng 50 cơ sở lưu trú du lịch mới mở cửa hoạt động trở lại sau khi Chính phủ và UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện các biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội và cho phép hoạt động đón khách trở lại từ ngày 23-4.
Theo Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC), trước khi có vaccine sử dụng rộng rãi, du khách sẽ đi du lịch theo hướng hạn chế tối đa tiếp xúc về thể chất, sử dụng khẩu trang, duy trì khoảng cách xã hội, sử dụng phương thức thanh toán không tiếp xúc, áp dụng các biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt. Trong đó, các tour du lịch ngắn ngày, tour du lịch điểm đến lân cận và du lịch nông thôn, các nhu cầu chăm sóc sức khỏe, y tế, thể thao là mục tiêu được du khách hướng đến. Thị trường du lịch sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là cách thức du khách lựa chọn điểm đến, lập kế hoạch hành trình... và sức khỏe, an toàn cho du khách sẽ là mối quan tâm hàng đầu.
Ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành (Sở Du lịch) cho biết, hiện các khu điểm kinh doanh du lịch đã được Sở Du lịch phổ biến Quyết định 473/QĐ-TCDL về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 và bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo đó, chỉ tổ chức các dịch vụ du lịch khi bảo đảm đúng quy định về giãn cách, số lượng người; các khu, điểm du lịch hướng dẫn và phổ biến các quy định về phòng, chống Covid-19 tới khách du lịch; niêm yết bảng thông tin hướng dẫn an toàn tại nơi đón tiếp, các khu vực công cộng, khu vực dịch vụ.
"Thành phố cần kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm từng bước ổn định và phát triển nhưng vẫn luôn đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp" - đại diện các đơn vị KD lữ hành, du lịch cho biết
Để đảm bảo phòng chống dịch COVID-19, Sở Du lịch đã phối hợp với Sở Y tế triển khai các biện pháp chống dịch trong tình hình mới như: Trang bị phòng hộ cho nhân viên, đo thân nhiệt khách đến; bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư để rửa tay, sát khuẩn tại cơ sở; đeo khẩu trang và bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu khi tiếp xúc… Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp lữ hành và điểm tham quan du lịch nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho du khách.
Khôi phục bằng thị trường nội địa
Trong bối cảnh Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn thành công dịch Covid-19 nhưng tình hình dịch bệnh tại khu vực và thế giới vẫn phức tạp thì khách nội địa chính là đòn bẩy vực dậy ngành du lịch trong nước. Theo bà Nguyễn Thị Hoài An - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, trong thời điểm này, khách du lịch nội địa đã dần có nhu cầu đi du lịch trở lại ở các điểm gần. Do đó, Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố sẽ triển khai các chiến dịch truyền thông với các hastag, video sinh động hấp dẫn trên các kênh mạng xã hội, mời những người nổi tiếng, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng (KOL) tham gia chương trình quảng cáo... cũng như tạo ra bài hát sôi động Đà Nẵng để các nhân viên du lịch, lưu trú làm theo nhằm quảng bá, kích cầu du lịch nội địa.
Theo ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, trong điều kiện thực tế các địa phương đều nhắm đến thị trường nội địa thì Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt. Hiện tại, các doanh nghiệp du lịch vẫn chưa có khách nhưng vẫn phải xúc tiến các chương trình kích cầu mùa hè, sau đó là kích cầu cuối năm; các khách sạn riêng lẻ cần triển khai các chương trình giảm giá kích cầu, miễn phí visa cho tất cả thị trường, miễn phí tham quan... cũng như làm mới các sản phẩm.
Ông Đoàn Hải Đăng - Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Đà Nẵng cũng chia sẻ, đa phần những công ty lữ hành tập trung khai thác nguồn khách hàng 90% là khách đoàn, 10% khách lẻ. Trong điều kiện dịch bệnh, giãn cách xã hội hiện nay thì doanh nghiệp rất khó chuyển đổi, tiếp cận.Trong tuần này, công ty lữ hành Vietravel mới triển khai đoàn khách đầu tiên từ thành phố Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng sau hơn một tháng ngủ đông.
"Ưu tiên lớn nhất lúc này là thúc đẩy thị trường khách nội địa, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng các địa phương lân cận" - ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở du lịch chia sẻ
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch, ưu tiên tập trung hiện nay chính là thu hút phát triển thị trường khách nội địa, thúc đẩy tăng trưởng lượng khách ngay trong mùa cao điểm du lịch hè, trong đó chú trọng nguồn khách từ các thị trường có điểm đến gần, thuận tiện di chuyển, đặc biệt là gia tăng nguồn khách nội địa từ các thị trường trọng điểm Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể, Sở Du lịch thành phố sẽ cùng với các doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch tổ chức lại hoạt động của mình, khai thác ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức lại các loại hình phục vụ theo hướng du lịch nội địa. Tập trung khai thác du lịch kết hợp với bảo tồn các di sản văn hóa, giới thiệu các tập quán, sản phẩm của địa phương tới du khách; huy động cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân khu vực và phát triển kinh tế của địa phương.
Đẩy mạnh truyền thông trực tuyến, triển khai chương trình xúc tiến quảng bá kích cầu du lịch
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam VITOURS, thành phố cần khẩn trương triển khai các chiến dịch truyền thông trực tuyến, quảng bá Đà Nẵng - điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng. Đồng thời, Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế để truyền thông mạnh mẽ, khẳng định sự an toàn của du lịch Đà Nẵng, để cho các thông tin này lan tỏa.
Về vấn đề truyền thông kích cầu du lịch nội địa, ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Phó Chủ tịch thường trực Hội khách sạn Đà Nẵng cũng cho rằng, "nếu không nhanh chóng tạo ra hình ảnh mới cho điểm đến Đà Nẵng thì những thị trường nhạy cảm như Hàn Quốc họ sẽ thay đổi điểm đến". Trong khi đó, hiện một số khách sạn chưa thể tham gia nhiều vào gói kích cầu, bởi nhiều khách sạn chưa thể mở cửa hoạt động trở lại vì sẽ phải gánh chi phí khoảng 3-4 tỉ/tháng cho chi phí hoạt động, trong khi công suất phòng mỗi ngày chỉ chiếm khoảng 5-10%. Ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay các doanh nghiệp đã sẵn sàng hoạt động trở lại, nhiều chương trình ưu đãi cũng được đưa ra nhằm quảng bá và tiếp cận thị trường, tuy nhiên vẫn còn một vài trở ngại ở vấn đề nguồn khách.
Trước thực trạng doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh; các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động có chiều hướng gia tăng... thành phố cần hỗ trợ triển khai các gói kích cầu đủ mạnh để thu hút khách du lịch như: Gói kích cầu hàng không; Gói kích cầu Combo trọn gói nhiều ngày; Gói kích cầu Hotel; Gói kích cầu các điểm du lịch lớn; Gói kích cầu vận chuyển, ẩm thực, các chương trình như "Giảm giá tour 3 ngày 2 đêm Đà Nẵng-Hội An", "Bà Nà giữ vé miễn phí buffet", "Núi Thần Tài 30-50% giá vé"... Đồng thời, mở lại các hoạt động du lịch lễ hội, Festival, triển lãm... để thu hút lượng khách nội địa.
Chiến dịch truyền thống "See you in Da Nang" nhằm quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng - điểm đến an toàn, thân thiện
Tại buổi làm việc, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch khẳng định, ngành du lịch thành phố đang nỗ lực khôi phục và phát triển song song với thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch, đồng thời giữ gìn hình ảnh điểm đến Đà Nẵng an toàn, thân thiện. Cùng với xúc tiến các đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái”; “Nghe dòng sông kể chuyện”, “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”; “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Hòa Vang”, văn hóa lịch sử tại di tích Đình làng Túy Loan, khu căn cứ cách mạng K20... việc cơ cấu lại ngành du lịch thành phố đang được kỳ vọng sẽ làm thay đổi, tạo ra sự khác biệt cho du lịch Đà Nẵng. Trong định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Du lịch đã xác định không gian phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái theo định hướng tựa núi, hướng biển; lấy Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân và Ngũ Hành Sơn làm trung tâm tạo vùng, với các nhóm sản phẩm du lịch được ưu tiên là du lịch biển nghỉ dưỡng; du lịch mua sắm, du lịch văn hóa lịch sử, làng quê, làng nghề; du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực.
Công Tâm