Tiền Giang: “Giếng Nước” sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn
Cập nhật: 10/06/2020
Ở trung tâm TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, có một cái hồ rộng gọi là “Giếng Nước” gắn với lịch sử hình thành vùng đất này. Xung quanh “Giếng Nước” hiện còn khá sơ sài, chưa thu hút du khách. Tỉnh Tiền Giang đang có kế hoạch đầu tư nâng cấp để nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

"Giếng Nước" sẽ được đầu tư thành điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: K.Q

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – ông Lê Văn Hưởng – cho biết, địa phương đang có kế hoạch đầu tư hàng chục tỉ đồng để chỉnh trang, nâng cấp khu vực “Giếng Nước” để nơi đây trở thành điểm tham quan, du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Việc chỉnh trang gồm các phần việc như: Làm lại vỉa hè các con đường xung quanh; trồng thêm cây, hoa; hệ thống chiếu sáng;…

Các con đường quanh “Giếng Nước” sẽ được nâng cấp. Ảnh: K.Q

Con đường chắn ngang chia “Giếng Nước” làm 2 phần. Ảnh: K.Q

Thời gian gần đây khách du lịch trong và ngoài nước đến TP.Mỹ Tho ngày càng nhiều. Nhưng họ chủ yếu đi tham quan các cù lao “Tứ linh” trên sông Tiền, làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi Cái Bè… Ít du khách đến tham quan khu vực “Giếng Nước” dù nó nằm ngay trung tâm TP.Mỹ Tho và có nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử.

Theo các tài liệu xưa, “Giếng Nước” ở TP.Mỹ Tho vốn là hào bảo vệ thành Định Tường được Vua Minh Mạng cho đào năm 1826, dài hơn 1.000m. 

Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, chính quyền thực dân đã cải tạo, mở rộng hào thành này và đặt tên là kênh Nicolais. Chiều rộng kênh khoảng hơn 100m. 

Vào thập niên 1880, chuẩn bị cho tuyến xe lửa đầu tiên ở Đông Dương (xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho), chính quyền thực dân cho bắc cây cầu sắt của Hãng Eiffel xuyên qua kênh Nicolais cho xe lửa chạy, gọi là cầu Hào. 

Đến năm 1927, chính quyền thực dân lại cho cải tạo kênh Nicolais thành hồ chứa nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân TP.Mỹ Tho. Đất bùn từ nạo vét kênh được cho chở lấp các chỗ trũng trong thành phố. 

Cũng kể từ đó, người dân TP.Mỹ Tho gọi kênh Nicolais là “Giếng Nước”. Lâu dần, không ai còn gọi tên kênh Nicolais và cái tên “Giếng Nước” được sử dụng chính thức đến ngày nay. 

Năm 1958, khi tuyến xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho ngừng hoạt động, con đường xe lửa chạy vào TP.Mỹ Tho trở thành đường bộ, được đặt tên đường Lý Thường Kiệt. Câu cầu sắt (cầu Hào) bắc qua “giếng nước” cũng bị dỡ bỏ, đắp thành đường lộ. “Giếng nước” bị chia cắt làm 2 phần: Phần nhỏ dài khoảng 150m; phần lớn dài khoảng 800m, rộng khoảng 150m.

Kỳ Quan

Báo Lao động